Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 4 – 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 2 – 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, trọng tâm là khu vực Trung Bộ.
Dự báo trong năm còn 4 – 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Theo thông tin từ VTV, khả năng bão và mưa lũ sẽ xuất hiện dồn dập khi dự báo cuối tháng 9, đầu tháng 10, trạng thái khí quyển sẽ chuyển sang pha La Nina.
Với xác suất xuất hiện 60 – 70% thì hiện tượng La Nina sẽ khiến số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ nhiều hơn trung bình mọi năm. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 4 – 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 2 – 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, trọng tâm là khu vực Trung Bộ.
Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xuất hiện những cơn bão mạnh.
Trước diễn biến như vậy thì khả năng mùa mưa năm nay cũng sẽ kéo dài và lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm. Cao điểm mưa lũ dồn dập nhất sẽ rơi vào tháng 10 – 11. Với tác động của hiện tượng La Nina tổng lượng mưa tháng 9 – 11/2024, ở miền Trung phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10 – 30%.
Với tác động của hiện tượng La Nina tổng lượng mưa tháng 9 – 11/2024, ở miền Trung phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10 – 30%
Mùa lũ trên các sông xuất hiện tương đương Trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông Trung Trung Bộ, sẽ từ báo động 2 – báo động 3 và các sông nhỏ trên báo động 3; các sông Nam Trung Bộ dao động mức trên BĐ2. Thời gian lũ có thể sẽ kéo dài hơn mọi năm, cao điểm sẽ tập trung trong tháng 10, 11/2024.
Nhận định năm nay mưa lũ khu vực Trung Bộ khắc nghiệt hơn năm 2023, lượng mưa nhận định lớn hơn so với TBNN, nguy cơ về sạt lở, lũ quét sẽ khắc nghiệt hơn so với mọi năm. Trong đó khu vực Thanh Hóa – Quảng Ngãi sẽ là khu vực trọng tâm chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất.
Năm 2024 nguy cơ về sạt lở, lũ quét sẽ khắc nghiệt hơn so với mọi năm
Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp mới, sẽ mạnh lên trong vài ngày tới
Hiện nay, thời tiết trên Biển Đông đang rất xấu, cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2 do xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 22/9, trên Biển Đông xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 17 – 20 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp ở vào khoảng 18,5 – 19,5 độ vĩ bắc, 110,5 – 111,5 độ kinh đông.
Ở khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh. Dự báo, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh, sóng cao 2 – 3 m. Vùng biển phía bắc của bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng cao 2 – 3 m.
Đáng chú ý, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, phía nam của khu vực bắc Biển Đông, khu vực giữa Biển Đông có gió tây nam cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8. Biển động, sóng cao 2 – 4 m. Ngoài ra, ngày và đêm 22/9, ở vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, từ Bình Định đến Cà Mau, vịnh Thái Lan, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có mưa rào và giông.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 – cấp 8. Cảnh báo thời tiết ngày và đêm 23/9 ở vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8. Biển động, sóng cao từ 2 – 3,5 m. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8. Biển động, sóng biển cao 2 – 4 m.
Vùng biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động, sóng biển cao 2 – 3 m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.