Sau khi lãnh đạo Khu kinh tế Dung Quất bị bắt, tỉnh Quảng Ngãi ngay lập tức thành lập tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển khu kinh tế.
Ngày 19.4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đã ký quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi (viết tắt Khu kinh tế Dung Quất).
Cảng nước sâu Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). HẢI PHONG
Theo đó, tổ công tác do ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, làm tổ trưởng; ông Đàm Minh Lễ, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, làm tổ phó.
Các thành viên của tổ công tác, gồm: Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, giám đốc các sở: KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, LĐ-TB-XH, Tư pháp, Công thương, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên phải), kiểm tra các công trình, dự án tại Khu kinh tế Dung Quất. L.U
Tổ công tác sẽ hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và đề xuất của Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi.
Tổ công tác cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi trong việc hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Trước đó, ngày 8.3, do liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam.
Tiếp đến ngày 11.4, ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và ông Trần Thạch Nam, Phó trưởng phòng Quản lý TN-MT (thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất) cũng bị Công an tỉnh Quảng Ngãi khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ và hối lộ.
Một dự án dang dở ở Khu kinh tế Dung Quất. L.U
Hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, vướng mắc lớn nhất liên quan đến mặt bằng, nên nhiều dự án đầu tư công phải “giậm chân tại chỗ” vì việc đền bù giải tỏa gặp khó; hạ tầng giao thông của Khu kinh tế Dung Quất cũng ì ạch, nhiều dự án đầu tư mãi không hoàn thành. Đồng thời, nhiều vấn đề phát sinh về pháp lý, đất đai… đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đang cần giải quyết.
Thu hút gần 18 tỉ USD đầu tư
Khu kinh tế Dung Quất có quy mô diện tích 45.322 ha, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có trung tâm lọc hóa dầu, cơ khí – luyện kim và năng lượng quốc gia và trung tâm logistics lớn của khu vực.
Đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút gần 18 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư. Trong đó, vốn thực hiện đạt khoảng 9,2 tỉ USD, thu hút được 105 dự án đầu tư. Năm 2023, Khu kinh tế Dung Quất đóng góp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng.