Quốc gia phát hiện 33.000 ca Covid-19 mới chỉ trong 1 tuần: “Tuần tới sẽ tăng gấp đôi”

Chỉ trong một tuần, Thái Lan ghi nhận tới 33.000 ca Covid-19 mới và 2 người t.ử v.ong.

Theo báo cáo từ Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, trong vòng 1 tuần từ ngày 11 đến 17/5, cơ quan này đã ghi nhận tới 33.030 ca dương tính với Covid-19, gấp đôi con số hơn 16.000 ca của tuần trước.

Trong số các ca nhiễm, 1.918 trường hợp phải nhập viện, 2 trường hợp được báo cáo đã tử vong tại các tỉnh Sukhothai và Kanchanaburi.

Thủ đô Bangkok là địa phương có số người nhiễm cao nhất với 6.290 ca, tiếp theo là các tỉnh Chon Buri (2.573 ca), Rayong (1.680 ca), Nonthaburi (1.482 ca) và Samut Prakan (1.442 ca). Hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 đều ở độ tuổi từ 30 đến 39.

Trong bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 19/5, Tiến sĩ Thira Woratanarat tại Khoa Y, Đại học Chulalongkorn cho biết các trường hợp mắc Covid-19 tại nước này đã tăng mạnh trong 11 tuần liên tiếp.

“Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, số ca bệnh được báo cáo trong tuần tới sẽ tăng gấp đôi. Dịch bệnh sẽ kéo dài trong một thời gian dài, vì đang đạt mức cao nhất trong ít nhất 3 tháng nay”, Tiến sĩ Thira cho biết.

Trong khi đó, bà Loetluck Leelaruangsaeng, Giám đốc Cơ quan Y tế (MSD) thuộc Chính quyền đô thị Bangkok (BMA), cho biết thành phố hiện đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở trẻ em, nhất là vào giai đoạn bước vào đầu học kỳ mới.

Bà Loetluck cho biết MSD đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị, bao gồm thuốc men, vaccine và giường bệnh, để kịp thời hỗ trợ điều trị, đặc biệt là với diện trẻ em từ 0-4 tuổi, người già, bệnh nhân nằm liệt giường và những người mắc bệnh mãn tính.

Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang và sử dụng bộ xét nghiệm ATK ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng hoặc mệt mỏi.

Quốc gia phát hiện 33.000 ca Covid-19 mới chỉ trong 1 tuần: "Tuần tới sẽ tăng gấp đôi"- Ảnh 1.

Học sinh đến Trường Wat Ratchanatda ở Bangkok được kiểm tra y tế – Ảnh: Nutthawat Wichieanbut

Bà Loetluck cho biết mọi người có thể sử dụng dịch vụ y tế từ xa thông qua ứng dụng “BMA Doctor” hoặc gọi đến đường dây nóng của MSD nếu họ có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bên cạnh Thái Lan, nhiều nước trong khu vực cũng chứng kiến tình trạng ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Y tế Malaysia Datuk Seri Dzulkefly Ahmad cho biết nước này đã ghi nhận 16.607 ca mắc mới, trong đó có 6 ca tử vong từ ngày 4 đến 10/5 và Singapore ước tính có 14.200 ca từ ngày 27/4 đến ngày 3/5. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận trung bình khoảng 600 ca nhiễm mỗi tuần và không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19 trong năm nay.

Trung tâm ứng phó và chuẩn bị khủng hoảng quốc gia (CPRC) đang tiến hành đánh giá rủi ro để đảm bảo khả năng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Malaysia vẫn tiếp tục xác định Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm phải được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên báo cáo theo Đạo luật Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm năm 1988. Theo đó, tất cả cơ sở y tế công và tư đều phải báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh theo thời gian thực thông qua hệ thống thông báo điện tử của Bộ Y tế, để giúp chính phủ phát hiện sớm và có phản ứng kịp thời với các đợt bùng phát tiềm ẩn.

Người dân cũng được khuyến cáo duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe, đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời nếu có các triệu chứng của bệnh. Các nhóm có nguy cơ cao được khuyến khích tiêm vaccine phòng COVID-19 để giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.

Vì sao ca Covid-19 tăng trở lại tại nhiều nước châu Á?

Không chỉ Thái Lan, trong tháng 5/2025, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng kể. Dù chưa xuất hiện biến chủng nguy hiểm mới, giới chuyên gia cho rằng có ba yếu tố chính đang đồng thời thúc đẩy làn sóng lây nhiễm này.

Miễn dịch cộng đồng suy giảm

Một trong những lý do hàng đầu khiến dịch bùng phát trở lại là khả năng miễn dịch trong cộng đồng đang suy yếu, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine tăng cường.

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết số ca nhiễm tăng 28% từ ngày 27/4 đến ngày 3/5, với hơn 14.200 trường hợp. Số người nhập viện cũng tăng gần 30%.

Tại Hong Kong, tỷ lệ mẫu hô hấp dương tính với Covid-19 tăng từ 6,2% lên 13,6% chỉ trong vòng một tháng. Đáng chú ý, 83% số ca tử vong là người từ 65 tuổi trở lên. Các chuyên gia nhận định hiệu lực bảo vệ của vaccine đang giảm dần, nhất là ở những người không tiêm nhắc lại.

Quốc gia phát hiện 33.000 ca Covid-19 mới chỉ trong 1 tuần: "Tuần tới sẽ tăng gấp đôi"- Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 tại Thái Lan – Ảnh: Reuters

Ở Trung Quốc, dữ liệu ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus trong các bệnh phẩm cúm tăng từ 7,5% lên 16,2% trong vòng 5 tuần. Điều này cho thấy làn sóng lây nhiễm có thể đã âm thầm lan rộng hơn so với báo cáo chính thức.

Tăng tiếp xúc đông người

Dịp lễ và kỳ nghỉ kéo dài khiến nhu cầu đi lại, tụ tập và tổ chức sự kiện gia tăng mạnh. Những hoạt động đông người diễn ra liên tục trong đã tạo điều kiện lý tưởng để virus lây lan nhanh trong cộng đồng.

Chẳng hạn, lễ hội Songkran tại Thái Lan tổ chức vào tháng 4 thu hút đông đảo người dân di chuyển, tụ tập và ăn mừng. Sau kỳ nghỉ này, hai ổ dịch cộng đồng lớn được ghi nhận. Giới chức y tế Thái Lan nhận định đây là nguyên nhân chính khiến số ca tăng lên hơn 71.000 trong chưa đầy 5 tháng.

Biến chủng phụ lan nhanh

Dù chưa xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn Omicron, sự lan rộng của các dòng phụ như XEC, JN.1, LF.7 và NB.1.8 khiến số ca mắc mới tăng nhanh.

Tại Singapore, các biến chủng phụ LF.7 và NB.1.8, hậu duệ của JN.1, đang lưu hành chủ yếu. Các chuyên gia cho biết chúng có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng chưa có dấu hiệu gây bệnh nặng hơn.

Tại Thái Lan, biến chủng XEC, dòng tái tổ hợp của Omicron, là chủng chiếm ưu thế trong đợt dịch gần đây. XEC xuất hiện phổ biến tại Thái Lan từ tháng 1 đến tháng 2/2025, được đánh giá có khả năng lây lan nhanh và né tránh miễn dịch hiệu quả. Giới chức nước này xác định XEC đóng vai trò quan trọng trong hai ổ dịch lớn sau kỳ nghỉ Songkran. Dù chưa gây bệnh nặng rõ rệt, biến thể vẫn khiến ngành y tế nâng mức cảnh báo.

Theo Gulf News, các yếu tố trên cùng cộng hưởng đã tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại trên diện rộng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị người dân nên tiêm đủ mũi vaccine, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, đồng thời duy trì thói quen phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tụ tập đông người.