Danh sách một số thực phẩm chức năng giả do cựu Cục trưởng Cục ATTP cấp phép

Theo tìm hiểu, hiện có nhiều sản phẩm giả của 2 công ty MEDIUSA và MediPhar vẫn đang được rao bán trên thị trường. Người dân cập nhật ngay để tránh mua phải.

Theo báo Đời sống pháp luật ngày 14/5 đưa tin có bài Danh sách một số thực phẩm chức năng giả do cựu Cục trưởng Cục ATTP cấp phép: Vẫn còn sản phẩm đang được rao bán, người dân cần cập nhật ngay. Nội dung như sau:

Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mediusa) cầm đầu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về hành vi nhận hối lộ.

Các bị can gồm: Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng; Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và đào tạo ATTP; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó giám đốc trung tâm này; Lê Thị Hiên, chuyên viên và Cao Văn Trung, Phó phòng Giám sát ngộ độc.

Trong đó, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Minh Hải; bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can còn lại.

Liên quan đến vụ việc trên, theo thông tin trên báo VOV cho biết, hiện có nhiều sản phẩm giả của 2 công ty MEDIUSA và MediPhar vẫn đang được rao bán trên các trang mạng xã hội, hiệu thuốc và một số sàn thương mại điện tử như Shopee, chiaki.vn.

Trong đó, 12 trong số các loại thực phẩm chức năng giả được của Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA có địa chỉ lô CN A5, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và Công ty cổ phần dược liên doanh MediPhar có địa chỉ tại KCN Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội sản xuất cũng đã được liệt kê chi tiết.

1. Ginkgo Biloba 240mg Mediusa (T/120H/100v)

2. Viên uống Glucosamin MSM 2000

Nguồn ảnh: VOV

3. Viên giải rượu Win – 21

Nguồn ảnh: VOV

4. Dầu cá Omega 3.6.9 bổ mắt, bổ não hộp 100 viên

Nguồn ảnh: VOV

5. Sâm Ngọc Hoàn Tố nữ Plus X3 tái hồi xuân phiên bản cao cấp hỗ trợ nội tiết tố nữ

Nguồn ảnh: VOV

6. Sâm Ngọc Nữ Beauty Queen spa

Nguồn ảnh: VOV

7. Colagen Retinol X10 NMN 46000 hỗ trợ mờ nám, tàn nhang, giúp da sáng mịn, tăng vòng 1

Nguồn ảnh: VOV

8. Collagen VIP NMN 360000 chống lão hoá, mờ nám tàn nhang, dưỡng sáng da, trẻ hoá cơ thể

Nguồn ảnh: VOV

9. Bột Collagen NMN Perfect White trắng da toàn thân, bật tông da, giảm nám tàn nhang hộp 30 gói

10. Men vi sinh Entero Plus 2.5 tỷ lợi khuẩn – 20 ống x 5ml

Nguồn ảnh: VOV

11. Viên uống nha đam Vitamin E Aloe Vera giúp cấp ẩm, đẹp da

 

Nguồn ảnh: VOV

Trước đó, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 26/4, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 5 người gồm: Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dược phẩm MEDIUSA), Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức), Phạm Thị Hường (kế toán phụ trách 4 công ty MediPhar, MEDIUSA, MegaLife, Hùng Phương), Lê Thị Toan (thủ quỹ 6 công ty MediPhar, MEDIUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức).

Theo điều tra, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh và các đồng phạm đã thành lập, điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.

Nhóm này sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán (một sổ sách kế toán nội bộ và một sổ sách để kê khai nộp thuế) nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Cảnh sát xác định các nghi phạm sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu… nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.

Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi nghi ngờ bị điều tra, các nghi phạm tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy.

Người tiêu dùng mà nhóm này nhắm tới bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em.

Khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, Bộ Công an thu giữ số lượng thực phẩm chức năng đặc biệt lớn, đa dạng về chủng loại, được phân phối rộng rãi trên cả nước với tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn.

Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 13/5 có bài Bắt nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Công ty được cấp phép bao giờ, sản xuất những gì? Nội dung như sau:

Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu, ngày 13-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét với 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về hành vi nhận hối lộ.

Nhà máy sản xuất được cấp phép từ bao giờ?

Theo danh sách các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng do Cục An toàn thực phẩm công bố, Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA, địa chỉ lô CN A5, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được cấp phép ngày 13-8-2020 và có thời hạn đến ngày 13-8-2023.

Nhà máy này được sản xuất các dạng viên (nén, bao phim, bao đường), viên nang cứng, cốm, bột, viên nang mềm, xi rô, dung dịch; chế phẩm chứa vi sinh: cốm, viên nang cứng, dung dịch, hỗn dịch.

Nhà máy sản xuất – Công ty cổ phần dược liên doanh MediPhar, địa chỉ tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, được cấp phép ngày 22-12-2020 và có thời hạn đến ngày 22-12-2023. Được sản xuất viên nang mềm, dạng lỏng và chế phẩm chứa men vi sinh dạng lỏng.

Theo quy định, điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng là nhà máy sản xuất phải được Cục An toàn thực phẩm thẩm định, cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm.

Bên cạnh đó, điều kiện để tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường là sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng thống nhất chi tiền “lobby” cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm.

Để các nhà máy MEDIUSA và MediPhar sớm được thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận GMP và đi vào sản xuất, Mạnh và Hoàng đã chi cho đoàn kiểm tra thẩm định (do Cục An toàn thực phẩm chủ trì) hơn 1 tỉ đồng để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, được hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.

Thực phẩm chức năng giả nhắm vào người cao tuổi, trẻ em

Theo điều tra, nhóm này đã lập nhiều công ty khác nhau. Mỗi công ty phụ trách một công đoạn trong quy trình sản xuất thực phẩm chức năng giả, từ sản xuất, đóng gói, in ấn bao bì đến phân phối, bán lẻ.

Quá trình chế biến diễn ra tại những cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh, hoàn toàn không có quy trình kiểm định chất lượng, với nguồn nguyên liệu trôi nổi, không đảm bảo an toàn.

Bên ngoài, một lớp “áo choàng” hào nhoáng được khoác lên công phu với bao bì bắt mắt, tem chống giả tinh vi, giấy kiểm định giả mạo. Nhiều sản phẩm còn giả danh hàng ngoại nhập, gắn mác “hàng Nhật”, “hàng Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng.

Bao bì, nhãn mác in thông tin nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, nhưng thực chất nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc thu gom trôi nổi trong nước.

Về chất lượng, nhiều sản phẩm chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi phát hiện dấu hiệu bị lộ, các nghi phạm lập tức tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm và đóng cửa nhà máy nhằm xóa dấu vết.

Những kẻ làm giả thực phẩm chức năng đã nhắm thẳng vào các nhóm dễ tổn thương nhất: người cao tuổi, trẻ em, bệnh nhân mắc bệnh nền, đây là những người luôn khát khao tìm kiếm giải pháp cho sức khỏe.

Dựa vào niềm tin mong manh ấy, chúng tung ra những lời quảng cáo hoa mỹ như “hỗ trợ tăng cường sức khỏe”, “giảm đau nhức xương khớp”, “tăng cường trí nhớ”, “giúp trẻ nhỏ phát triển chiều cao”…, gieo vào lòng người niềm hy vọng mong manh trên nền thực phẩm giả mạo, kém chất lượng.

Quá trình bắt giữ, khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, Bộ Công an thu giữ số lượng thực phẩm chức năng đặc biệt lớn, đa dạng về chủng loại, được phân phối rộng rãi trên cả nước với tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn.

Tại cơ quan công an, bị can Khúc Minh Vũ khai phương thức tiêu thụ sản phẩm thực phẩm chức năng giả là nhóm này đã đi gặp trực tiếp các trình dược viên, nhà thuốc ở các tỉnh, các công ty dược phân phối ở tỉnh để “chào hàng”, giới thiệu sản phẩm.

“Quá trình này diễn ra trong nhiều năm nên mới được một hệ thống như bây giờ”, Vũ nói.