Mẹ của Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải nghẹn ngào nhớ lại câu nói cuối cùng của con sau lần về nhà vỏn vẹn 20 tiếng

Bốn ngày trước khi hy sinh trong lúc bắt tội phạm ma túy, thiếu tá Khải hỏi bố mẹ “thích gì sẽ mua” trong lần tới về thăm nhà.

Ngày 13/4 là lần cuối anh Nguyễn Đăng Khải về thăm bố mẹ và em gái tại quê nhà ở xóm Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau 20 tiếng bên gia đình, anh lại đi 100 km trở về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ.

Nói “lần tới về bố mẹ thích gì con sẽ mua”, Khải vừa thủ thỉ với mẹ vừa gấp bộ quần áo mặc dở cho vào balô để lên đường, bà Phan Thị Hương, 48 tuổi, nhớ lại ký ức về thiếu tá, liệt sĩ Khải – người con trai 29 tuổi của bà vừa hy sinh khi bắt tội phạm ma túy.

Bà kể, thông thường vài ngày, Khải sẽ chủ động gọi điện cho bố mẹ hỏi thăm, rồi “nói đủ thứ chuyện trên đời”. Nhưng sau lần chia tay đó, đã ba ngày bà không thấy liên lạc. Hiểu đặc thù công việc của con trai, bà thông cảm và ít khi chủ động gọi điện thoại, trừ trường hợp có việc rất quan trọng. Mỗi khi nhớ, bà vào Facebook của con để xem ảnh rồi nhắn tin.

Thượng úy Nguyễn Đăng Khải trong một buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy. Ảnh: Công an cung cấp

Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải trong một buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy. Ảnh: Công an cung cấp

Khoảng 22h ngày 17/4, bà Hương run rẩy khi nhận được điện thoại của đồng nghiệp con trai thông báo: “Khải bị tai nạn, đang nhập viện”. Chưa đầy 10 phút sau, vợ chồng bà nhờ một người cháu chở tới Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh. Dọc đường đi, bà chỉ biết “cầu Trời khấn Phật” cho con qua cơn hoạn nạn.

Khi còn cách Quảng Ninh chừng 30 km, bà sững người, tim như thắt chặt khi bạn gái của Khải khóc thét lên qua điện thoại, nói: “Anh ấy không qua khỏi”. Ba người trên xe lúc đó cùng bật khóc, không dám tin vào sự thật.

Anh Khải hy sinh tối 17/4 khi cùng các đồng đội vây bắt nhóm buôn ma túy đang giao dịch 16 bánh tại khu vực gần chung cư Dragon Castel ở thành phố Hạ Long. Trong loạt đạn tấn công bất ngờ của nhóm tội phạm, anh Khải và 2 chiến sĩ bị thương. Được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng anh đã hy sinh do vết thương quá nặng.

Hiện, cả 5 nghi phạm trong nhóm buôn ma túy đã bị bắt.

Bà Hương đọc lại những tin nhắn cuối cùng với con trai. Ảnh: Phạm Dự

Bà Hương đọc lại những tin nhắn cuối cùng với con trai. Ảnh: Phạm Dự

Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2018 chuyên về điều tra tội phạm trật tự xã hội, ma túy, Khải nhận công tác tại Công an thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Hồi tháng 3, khi công an cấp huyện giải thể, Khải được điều động về Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh.

Bà Hương kể mẹ con hợp tính nên thường tâm sự về cuộc sống, công việc, dự định tương lai. Do học tốt khối A, B, gia đình định hướng cho Khải thi Đại học Y. Đến năm cấp ba, sau một lần đi thực tế tại Công an tỉnh Hưng Yên, Khải bảo muốn thi vào ngành công an, sợ nếu học ngành y gia đình với kinh tế eo hẹp sẽ không đủ nuôi ăn học. Từ đó, Khải tập trung ôn luyện để thi Học viện Cảnh sát nhân dân.

Chiều lòng mẹ, Khải vẫn đăng ký thi vào Đại học Y dược Hải Phòng. Nhưng sau môn đầu tiên, anh gặp sự cố đau bụng nên bỏ thi hai môn còn lại. Lúc đó, Khải cũng tự tin sẽ đỗ trường cảnh sát sau khi dò đáp án. Cuối cùng, Khải đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân với 28 điểm ba môn.

Bà Hương kể, suốt 5 năm Khải học đại học, bố mẹ không phải chu cấp hàng tháng. Chỉ khi có việc cần thiết, Khải mới xin tiền. Sau khi ra trường đi làm, anh tự “nhận nhiệm vụ” nuôi em gái ăn học 4 năm ở Hà Nội.

“Cứ vài tháng nhận lương, con lại tích một khoản gửi về cho mẹ. Hơn một tháng trước, do công việc nhiều thay đổi, phải đi lại xa và nhiều hơn, Khải xin bố mẹ dùng tiền tích cóp mua chiếc ôtô cũ để tiện đi lại”, bà Hương kể lại.

Suốt 6 năm đi làm, do đặc thù công việc, Khải chỉ một lần đón giao thừa bên gia đình, cách đây bốn năm. Chiều mùng một hôm đó, trời mưa to, sấm sét song anh vẫn trở lại đơn vị trực chiến. Bà Hương kể đã dõi theo con trai cho đến lúc xe khuất dần trong mưa mà chỉ biết khóc vì thương.

Biết nghề công an vất vả, rủi ro nhiều, bà luôn dặn dò “tập trung cao độ, đừng để bị phân tâm mà không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đã 4 ngày trôi qua từ khi Khải hy sinh, bà bảo vẫn không dám đối diện sự thật này. Sáng nay, nhớ con, bà mở điện thoại đọc lại từng dòng tin nhắn. Nhìn tấm hình lần cuối cùng Khải “selfie” gửi cho mẹ, người mẹ lại khóc.

Các giấy khen của Khải treo tại nhà riêng. Ảnh: Phạm Dự

Các giấy khen của Khải treo tại nhà riêng. Ảnh: Phạm Dự

Đọc điếu văn trong lễ truy điệu hôm 19/4, thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết sự hy sinh dũng cảm khi truy bắt tội phạm của anh Khải là tổn thất to lớn với gia đình và lực lượng cảnh sát nhân dân. Thiếu tá Khải đã “hiến dâng cả tuổi trẻ, cuộc đời” cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự của Tổ quốc, chống lại các loại tội phạm và tệ nạn ma túy…; thắp sáng ý chí, niềm tin cho thế hệ công an hôm nay và mai sau.

Do lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, liệt sĩ Khải đã được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất cùng bằng Tổ quốc ghi công, Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, thăng cấp bậc hàm từ thượng úy lên thiếu tá.