Không bắt buộc làm lại CCCD khi sáp nhập tỉnh, thành nhưng những ai thuộc trường hợp này thì phải đổi

Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hết hạn, hư hỏng hoặc cần cập nhật thông tin, người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới.

Báo Phụ nữ Thủ đô ngày 15/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Không bắt buộc làm lại CCCD khi sáp nhập tỉnh, thành nhưng những ai thuộc trường hợp này thì phải đổi” cùng nội dung như sau:

Những ngày qua, những nội dung, thông tin liên quan đến sáp nhập các tỉnh, thành phố đã trở thành một chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận. Mục tiêu của việc sáp nhập là tinh gọn bộ máy hành chính, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, một trong những câu hỏi được người dân quan tâm nhất là liệu việc sáp nhập tỉnh, thành có bắt buộc phải làm lại các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD), sổ hộ khẩu hay các giấy tờ quan trọng khác hay không?

Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Việc đổi thẻ Căn cước mới do sáp nhập tỉnh được thực hiện theo nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể chủ động đi đổi thẻ nếu thấy cần thiết.

Cụ Thể, Khoản 1 Điều 24 Luật Căn Cước 2023 quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:

Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

e) Xác lập lại số định danh cá nhân;

g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

Dù vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong trường hợp muốn cập nhật thông tin mới, các cơ quan chức năng đang đề xuất triển khai phương án cấp đổi căn cước theo hình thức trực tuyến toàn trình.

Theo đó, người dân có thể thực hiện thủ tục đổi thẻ qua Cổng dịch vụ công mà không cần đến trực tiếp trụ sở công an. Trong quy trình mới này, cơ quan quản lý sẽ tận dụng dữ liệu sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay, mống mắt) đã thu thập trước đó để phục vụ việc cấp đổi, giúp tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà cho người dân.

Riêng đối với hộ chiếu, tại buổi họp báo Quý I/2025 của Bộ Công an, Đại tá Ngô Như Cường – Phó Cục trưởng C06 khẳng định:

Người dân không cần cập nhật thông tin liên quan đến đơn vị hành chính trong hộ chiếu đã cấp. Hộ chiếu hiện tại vẫn có hiệu lực sử dụng đến hết thời hạn ghi trên đó mà không cần điều chỉnh hay cấp lại.

Ai cần phải đổi lại căn cước trong năm 2025?

Thẻ Căn cước là giấy tờ nhân thân vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh, thành. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Trong năm 2025, những người sinh năm 1965, 1985, 2000, 2011, lần lượt sẽ bước sang tuổi 14, 25, 40, 60.

Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước: Thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, những người sinh năm 2011 chưa có thẻ Căn cước thì nên đi làm thẻ Căn cước ngay khi đủ tuổi. Những người sinh năm 2000, 1985, 1965 cần đi làm thẻ Căn cước mới trước khi thẻ cũ hết thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp:

Người sinh năm 2000 đã làm thẻ căn cước trong khoảng thời gian đủ 23 – 25 tuổi thì thẻ Căn cước có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2040.

Nếu người sinh năm 1985 đã làm thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 38 – 40 tuổi thì thẻ Căn cước có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2045.

Người sinh năm 1965 đã làm Căn cước khi đủ 58 – 60 tuổi thì Căn cước công dân đó được sử dụng đến cuối đời.

Ngoài ra, Điều 24 Luật Căn cước 2023 cũng quy định những các công dân cần phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước như:

Có sự thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

Theo yêu cầu của người được cấp thẻ Căn cước khi thông tin trên thẻ Căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

Như vậy, việc sáp nhập tỉnh, thành phố không bắt buộc người dân phải làm lại giấy tờ tùy thân ngay lập tức. Các giấy tờ như CCCD, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, hộ chiếu, v.v. đã cấp trước đó vẫn có giá trị pháp lý theo quy định chuyển tiếp của pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hết hạn, hư hỏng hoặc cần cập nhật thông tin, người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới. Để đảm bảo quyền lợi, người dân cần nắm rõ các quy định và hướng dẫn từ cơ quan chức năng, đồng thời tận dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến để xử lý thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.

Trước đó, báo Lao Động ngày 13/04 cũng có bài đăng với thông tin: “Điều cần biết về đổi căn cước, sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh”. Nội dung được báo đưa như sau:

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Đảng ủy Chính phủ vừa thống nhất về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp cơ sở.

Nhiều ý kiến quan tâm sau khi tiến hành sáp nhập tỉnh thành, sáp nhập xã, người dân có phải đổi các giấy tờ như căn cước, sổ đỏ mới hay không?.

Mới đây Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ban hành Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 19.2.2025.

Trong đó, tại Điều 10 của Nghị quyết có nêu vấn đề về văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp.

Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

Cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với căn cước, tại Luật Căn cước 2023 quy định thẻ căn cước có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Người dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi thẻ căn cước.

Luật cũng quy định cấp đổi thẻ căn cước theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.

Như vậy, thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước được cấp cho người dân trước khi thực hiện việc sáp nhập nếu chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên người dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ mới nếu có nhu cầu.

Còn đối với sổ đỏ, Luật Đất đai 2024 quy định những loại giấy tờ sau nếu được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, người dân không bắt buộc phải cấp đổi, trừ trường hợp có nhu cầu gồm:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.