Ông Mai Tiến Dũng nhận sai, ‘xin lỗi nhân dân’

Ông Mai Tiến Dũng nói việc nhận tiền của ‘đại gia’ Nguyễn Cao Trí là sai, xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi nhân dân.

Chiều 16.1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh. Hội đồng xét xử thẩm vấn đối với cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Ông Dũng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với cáo buộc nhận 200 triệu đồng và giúp “đại gia” Nguyễn Cao Trí chuyển đơn kiến nghị về dự án Đại Ninh (Lâm Đồng).

Tại tòa, luật sư cho biết ông Dũng đang phải điều trị tại khoa nội thần kinh do mắc bệnh tiền đình – di chứng của nhồi máu não. Ghi nhận thực tế cho thấy bị cáo này đi lại khó khăn, mỗi lần ra hoặc vào phòng xét xử đều phải có người dìu.

Ông Mai Tiến Dũng nhận sai, 'xin lỗi nhân dân'- Ảnh 1.

Bị cáo Mai Tiến Dũng tại tòa

ẢNH: PHÚC BÌNH

Trước bục khai báo, ông Mai Tiến Dũng cho biết quen “đại gia” Nguyễn Cao Trí vào năm 2019, trong một lần đi công tác nước ngoài. Sau đó, ông Trí nhiều lần qua lại Văn phòng Chính phủ, để làm thủ tục hỗ trợ máy thở nhằm chống dịch Covid-19.

Tháng 10.2020, ông Trí đến phòng làm việc của ông Dũng, nhờ ông Dũng chuyển giúp đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Ông Dũng nói không có thẩm quyền tác động đến việc giải quyết nội dung đơn, mà sẽ chỉ ký chuyển cho Vụ I (Văn phòng Chính phủ) theo quy định. “Mỗi ngày tôi vẫn ký chuyển 50 – 70 đơn”, ông Dũng phân trần.

Khoảng 1 tháng sau, trong lần ăn sáng ở Hà Nội, ông Trí gặp ông Dũng lần thứ hai, trình bày về việc mua lại dự án Đại Ninh, tiếp tục nhờ giúp đỡ. Lúc này, ông Dũng “thấy ngại rồi” nên chỉ ậm ừ cho qua, không hứa hẹn, cũng không tác động gì đến các cơ quan có thẩm quyền.

Đáng chú ý, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận được ông Trí cảm ơn 200 triệu đồng; cùng với đó là hỗ trợ 380 triệu đồng mua quà tặng nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành. Đến nay, bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai, xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi nhân dân.

Ông Mai Tiến Dũng nhận sai, ‘xin lỗi nhân dân’

Ông Dũng cũng nói về thời điểm xảy ra vụ án, khi đó phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính. Bởi thế, việc làm của bị cáo xuất phát từ bối cảnh này, không lường trước được hết hậu quả, cũng không thỏa thuận hay mặc cả để nhận tiền.

Cựu bộ trưởng còn kể về gần 50 năm công tác, “chưa bị kỷ luật lần nào”, bản thân đang mắc bệnh, sức khỏe rất yếu…, do đó mong được châm chước, hưởng khoan hồng.

Ông Mai Tiến Dũng nhận sai, 'xin lỗi nhân dân'- Ảnh 2.

Quá trình đi lại, ông Mai Tiến Dũng phải có người dìu

ẢNH: PHÚC BÌNH

Bút phê “mở đường” cho sai phạm

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện là 3.595 ha.

Quá trình thực hiện, dự án có nhiều vi phạm như không nộp tiền sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm tiến độ… Do đó, tháng 6.2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất tại dự án nêu trên.

Nắm được thông tin, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, đã thỏa thuận mua lại dự án từ bà Phan Thị Hoa.

Công ty Sài Gòn Đại Ninh từng 5 lần gửi đơn đến lãnh đạo Chính phủ đề nghị được tiếp tục triển khai. Văn phòng Chính phủ căn cứ theo quy chế hoạt động, chuyển đơn thông thường đến Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng. Do không có căn cứ, không đúng đối tượng…, các nội dung kiến nghị đều không được giải quyết.

Đầu tháng 10.2020 và giữa tháng 1.2021, ông Trí 2 lần ra Hà Nội gặp cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhờ ông Dũng bút phê vào đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh để tham mưu lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo chuyển cho Thanh tra Chính phủ.

Cơ quan tố tụng xác định 2 lá đơn do ông Trí soạn thảo và nhờ chuyển có nội dung tương tự như 5 đơn trước đó, đều không có căn cứ để giải quyết. Thế nhưng, bằng sự trợ giúp của một số cán bộ, trong đó có ông Dũng, những lá đơn này cuối cùng vẫn được đồng ý chuyển đơn và chỉ đạo Thanh tra Chính phủ giải quyết.

Đây là tiền đề cho hàng loạt sai phạm tiếp theo, mà đỉnh điểm là việc “bẻ lái” kết luận thanh tra từ kiến nghị thu hồi sang kiến nghị không thu hồi, cho giãn tiến độ. Ông Trí sau đó bán lại dự án, thu lợi hàng ngàn tỉ đồng.