Nhiều người đặt ra thắc mắc trường hợp giáo viên dạy thêm không đúng quy định có phải trả lại tiền đã thu cho học sinh/phụ huynh hay không.
Thực tế hiện nay, không chỉ các trung tâm dạy thêm mà không hiếm các lớp học thêm tự phát cũng mở ra. Các môn học thêm thường là Toán, Văn, Ngoại ngữ… hoặc liên quan thi cử ở cấp THCS, THPT.
Tùy vào trình độ và sự nổi tiếng, uy tín của từng thầy cô, mỗi lớp học thêm sẽ có mức phí khác nhau.
Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt không ít trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm không đúng quy định.
Việc này cũng khiến không ít người thắc mắc trường hợp giáo viên dạy thêm không đúng quy định, có phải trả lại tiền đã thu cho học sinh/phụ huynh hay không?
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống;
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường;
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Cũng theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, dạy thêm cho học sinh là hoạt động nghề nghiệp có sự quản lý của nhà nước. Trường hợp giáo viên hoặc cơ sở giáo dục tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định thì tùy vào tính chất mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật và còn có thể phải hoàn trả học phí cho người học.
“Với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm mà không thuộc trường hợp pháp luật cho phép hoặc không đủ điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm là vi phạm luật giáo dục. Theo đó, cơ sở giáo dục hoặc giáo viên không được phép thu số tiền học phí, thù lao.
Bởi vậy về mặt lý thuyết, các phụ huynh học sinh có quyền đòi lại tiền học phí đã đóng, giao dịch dân sự trong trường hợp này là vô hiệu nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, ông Cường nói.
“Hiện nay, không có quy định cụ thể là trường hợp nào sẽ trả lại tiền cho học sinh, phụ huynh. Bộ luật dân sự chỉ quy định trong quan hệ dân sự mà vô hiệu, không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên; các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Đối với dịch vụ giáo dục không hoàn toàn theo luật dân sự, tuy nhiên nguyên tắc chung là việc cung cấp dịch vụ giáo dục không hợp pháp cũng không có hiệu lực và giáo viên không được quyền hưởng số tiền gọi là phí học thêm đó.
Về nguyên tắc chung, đã không được phép dạy thêm học thêm thì không được quyền thu phí, buộc phải trả lại.
Tuy nhiên, trong quan hệ giáo dục là đặc biệt, giáo viên cũng đã giảng dạy, đã mất công sức và học sinh cũng đã học và tiếp thu được tri thức nên các phụ huynh thường không nỡ đòi lại tiền công, tiền thù lao của giáo viên”, ông Cường nói.
Quy định về dạy thêm theo thông tư mới nhất của Bộ GD-ĐT:
Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nêu rõ các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm bị phạt tiền thấp nhất từ 1 triệu đồng đến 12 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng.
Cùng đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định.