Có lẽ bà Nguyễn Phương Hằng đang sốt ruột đi tìm lại hình ảnh một “thủ lĩnh” cùng khoảng thời gian đã mất hai năm cho việc thụ án tại trại giam T30 trong bản án về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thế nên mới chỉ sau ngót 10 ngày ra tù, người ta được chứng kiến một loạt “sự kiện” mà ở đó người đàn bà ngoại ngũ tuần này luôn ở trung tâm sân khấu cùng vô vàn tiếng vỗ tay tung hô và nhiều “k” bình luận, cứ như thể quãng thời gian ở trại giam T30 không hề hấn gì.
Cái clip trong đó bà Nguyễn Phương Hằng xuất hiện với ca khúc tự chế là một trong số này.
Sẽ là không có gì đáng nói nếu người ta tự sáng tác bài hát rồi tự biểu diễn và cả lợi thế công nghệ cho phép ca khúc ấy được được phổ cập vào đời sống. Cũng xin không bình luận gì về những gam nhạc mà bà Nguyễn Phương Hằng đã dùng để làm nên những giai điệu của bài “Phương Hằng và T30”.
Điều đáng nói ở đây là những “diễn ngôn” được bà Hằng dùng trong cái ca khúc này.
Đó là những câu “tôi tranh đấu cho người dân”, “ngờ đâu bao đau thương vây lấy thân tôi”, rồi “tôi chứng kiến dân khổ đau… mình tôi tranh đấu cho người dân… người ta đưa tôi vô trại giam”.
Những diễn ngôn này cứ lặp đi lặp lại trong cái ca khúc tự sáng tác của bà Phương Hằng tạo một cảm giác “oan ức”, lấy đi không ít nước mắt của đội hình những người hâm mộ, khiến cho câu chuyện được trải lòng trong ca khúc tự chế vì thế mà có vẻ nặng phần “thuyết phục”.
Bà Nguyễn Phương Hằng xuất hiện tại một sự kiện sau khi mãn hạn bản án tù |
Có thể bà Nguyễn Phương Hằng vẫn còn có sức hút với một bộ phận cộng đồng trên những phương diện hoạt động nào đó vì xã hội, vì cộng đồng. Ở đây nếu như những hoạt động ấy vẫn thực sự vì cộng đồng một cách đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến ai, không tạo sự thái quá thì đó quả là điều được mong đợi.
Nhưng nếu bà Nguyễn Phương Hằng thông qua cái ca khúc tự chế để biện bạch, để trải lòng thì quả thực là hết sức đáng lo ngại.
Bởi bản án đối với bà Phương Hằng là rõ ràng, là xác đáng, đúng người đúng tội chứ tuyệt đối không phải là sự trả giá cho những cái mà người đàn bà này tự nhận là “tranh đấu cho người dân”.
Ở đây có người bàn rằng, ca khúc tự chế của bà Hằng phải chăng là sự thách thức nếu không muốn nói là sự vu khống các cơ quan pháp luật. Cũng có người bàn rằng, phải chăng việc bà Hằng được ra tù sớm mà không phải tiến hành thủ tục kháng cáo đã tạo ra cái cảm giác “làm nền” cho điều được bà Hằng dùng làm ngôn từ cho ca khúc của mình.
Một người dấn thân vào hoạt động xã hội nhưng đã đi quá xa, quá mức những điều được pháp luật quy định để đến độ phải tự mình gánh lấy bản án nghiêm khắc của pháp luật mà vẫn chưa nhận ra được bản chất, mức độ trong hành vi của mình mà lại còn đánh tráo khái niệm với một bộ phận tự coi mình là công dân mạng chân chính thì quả thực là rất đáng tiếc.
Một điểm nữa là trong ca khúc tự chế, bà Phương Hằng biến mình thành một nhân vật kiểu Robin Hood của thế kỷ XXI trong việc đấu tranh cho quyền lợi của người dân. Lại một lần nữa, không chỉ xúc phạm đến hình ảnh các cơ quan bảo vệ pháp luật, những ngôn từ của “Phương Hằng và T30” còn làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, đặc biệt là các công dân trẻ về vị trí vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đi ngược lại nỗ lực xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật của cả nước cùng nhiều sự ngộ nhận đáng ngại khác.
Sau hai năm thụ án, có thể với bà Phương Hằng giờ đây và cả phía trước đang là những ngày đẹp trời. Nhưng phía sau cái ca khúc tự chế của mình, bà Phương Hằng cho thấy như muốn tự mình mang lại bão giông cho những ngày đẹp trời đó.
Hoặc giả, thậm chí tự mình tước đi những ngày đẹp trời.