KH:::ẨN: Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung đối diện với mưa bão cực đoan trong tháng 10 và 11, đỉnh lũ trên báo động 3

Các tỉnh miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 và 11.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Khiêm – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm, khả năng có 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 và 11.

Đối với dự báo thời tiết trong khoảng 10 ngày tới, ông Khiêm cho biết hiện nay (ngày 28-9) trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.

Gần Biển Đông nhất hiện đang có cơn bão Krathon mới hình thành ở vùng biển khu vực phía đông bắc đảo Luzon (Philippines), cường độ bão mạnh cấp 8 (62 – 74km/h).

Ảnh minh hoạ: Internet
Tuy nhiên các dự báo đều nhận định bão Krathon cũng như các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này đều di chuyển lên phía bắc của vùng biển Bắc Thái Bình Dương, không di chuyển vào khu vực Biển Đông nước ta.

 

“Về thời tiết trên đất liền, từ đêm 28 đến 30-9 ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt mưa dông 30-60mm, cục bộ có nơi mưa to trên 100mm, đề phòng nguy cơ trượt lở đất tái xuất hiện.

Khu vực Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ đêm 1 đến 3-10 có mưa vừa, mưa to” – ông Khiêm cảnh báo.

Về xu thế thời tiết cả nước từ nay đến cuối năm 2024, ông Khiêm cho biết từ tháng 10 đến tháng 12-2024 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền.

“Các tỉnh khu vực miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sáng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 và 11-2024” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Theo ông Khiêm, đỉnh lũ năm 2024 ở các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ở mức báo động 2 – báo động 3 và trên báo động 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận trên báo động 2.

Lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở trên mức báo động 1 và đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 – báo động 3 và trên báo động 3, cao nhất trong khoảng 4 năm gần đây và thấp hơn năm 2018.

Dẫn tin từ báo Phụ nữ TP.HCM, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 4 – 6/10 tới, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động 1 từ 0,1 – 0,25m, sau đó biến đổi chậm.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, cần đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt. Lũ trên các sông có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế – xã hội.