Trên cơ sở đang có cảnh báo lũ trên thượng nguồn hồ Trị An và mực nước tại trạm thủy văn Biên Hòa vượt báo động 1, Công ty Thủy điện Trị An bắt đầu xả lũ qua đập tràn và tua bin phát điện với lưu lượng 1.000 m3/s.
Ngày 22/9, Công ty thủy điện Trị An thông báo sẽ tiến hành xả lũ qua đập tràn để điều tiết về hạ lưu bắt đầu từ 10h ngày 23/9 với lưu lượng từ 150 đến 300 m3/s, tua bin phát điện là 850 m3/s. Tổng cộng, hồ Trị An xả hơn 1.000 m3/s nước xuống hạ lưu.
Nhà máy thủy điện Trị An xả lũ năm 2023
Việc xả lũ được thực hiện vì lưu lượng nước từ thượng nguồn về hồ trung bình là 2.000 m3/s, đạt cao trình 60,5 m (cao trình an toàn đập là 62 m), trên cơ sở đang có cảnh báo lũ trên thượng nguồn hồ Trị An và mực nước tại Trạm thủy văn Biên Hòa đang vượt báo động 1.
“Lưu lượng xả sẽ tùy theo mức độ báo động lũ ở TP Biên Hòa để nhà máy xả một cửa hay hai cửa”, thông báo nêu rõ.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty Thủy điện Trị An thông báo đến Ban PCTT và TKCN các cấp và chính quyền địa phương phối hợp, thông báo đến nhân dân vùng hạ lưu hồ chứa phòng ngừa, tránh những thiệt hại xảy ra.
Hồ thủy điện Trị An rộng 323 km2, được xem là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam nằm trên lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài mục đích sản xuất điện lưới quốc gia, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ… cho vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.
Cùng ngày, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Nai cho biết nước sông Đồng Nai đang lên nhanh, ở giữa mức báo động 2 và báo động 3. Nước sông dâng cao khiến nhiều nhiều địa phương ven sông thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM có nguy cơ ngập, sạt lở.
Lúc 7h sáng nay, mực nước đo được tại trạm Tà Lài (thượng nguồn sông Đồng Nai) là 112,76 m, trên báo động 2 là 0,26 m. Đây là mực nước cao nhất được ghi nhận trong năm nay.
Dự báo trong 24 giờ tới, nước sông Đồng Nai tiếp tục lên, có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 3 (113,00 m). Tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai), mực nước đỉnh triều sáng nay đạt mức 1,95 m, gần báo động 2 (báo động 2 là 2,00 m).
Những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai; huyện Tánh Linh và Đức Linh thuộc Bình Thuận có nguy cơ bị ngập lụt do lũ.
Các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai; huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố Thủ Đức, TPHCM có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu). Người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực trũng thấp thuộc địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai; vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận.