Khi lao ra giữa dòng nước dữ để cứu người, anh Ngô Văn Khanh gần như làm việc theo bản năng. Trong đầu duy nhất chỉ có ý muốn nhanh nhất đưa được nạn nhân lên bờ.
Theo thông tin từ báo Nhân Dân, khi cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập hai nhịp giữa, anh Ngô Văn Khanh (sinh năm 1998, trú tại khu 5, Hương Nộn, Tam Nông) ngay lập tức chạy ra phía bờ sông cách đó chừng hơn 1 cây số. Lúc này, nam thanh niên 26 tuổi phát hiện một nạn nhân đang chới với giữa dòng nước lũ xiết. Ngay lập tức, anh chạy xuống đò, bơi ngược ra giữa dòng để ứng cứu.
Nhớ lại giây phút cầu Phong Châu sập, anh Khanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo nhân chứng, vào thời điểm đó anh đang ở trong nhà thì thấy mọi người hô to: Cầu sập rồi! Ngay lập tức, anh chạy ra ngoài, nhìn về phía thượng nguồn. Lúc này, cây cầu có tuổi đời 29 năm đã bị sập toàn bộ 2 nhịp giữa.
“Tôi thấy mọi người nói có nhiều người và phương tiện rơi xuống sông”, anh Khanh chia sẻ.
Nhìn ra dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy, Khanh thấy rất nhiều cây gỗ lớn, rác bị cuốn đi. Chừng 7 phút, nam thanh niên tiếp tục nhìn thấy một người đàn ông đang cố gắng bám chặt lấy thân cây đang chới với giữa dòng.
“Mọi thứ vô cùng nhanh. Nạn nhân liên tục kêu cứu. Lúc này, tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết chạy ra con đò của gia đình rồi điều khiển phương tiện nhanh nhất để cố gắng tiếp cận”, anh Khanh kể tiếp.
Anh Khanh vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện – Ảnh: Nhân Dân
Do lũ lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, con đò đã rất khó khăn mới tới gần được nạn nhân. “Khoảng cách từ bờ ra đến vị trí cứu hộ chừng 4-500m”, anh Khanh hồi tưởng.
Chỉ ít phút sau, nạn nhân đã được đưa lên thuyền trong trạng thái vô cùng hoảng loạn; người có nhiều vết thương nghiêm trọng.
“Anh ấy rất hoảng sợ. Khi đưa tới bờ, anh ấy vẫn rất run, không nói được, không nhớ được gì. Phải mất khoảng 10 phút, nạn nhân mới đọc được điện thoại người nhà để tôi thông báo”.
Anh Khanh cũng cho biết, khi lao ra giữa dòng nước dữ để cứu người, bản thân khi đó gần như làm việc theo bản năng.
Công tác cứu nạn sau vụ sập cầu đang được tiến hành, nhiều người dân có mặt tại hiện trường để tìm kiếm thông tin về người thân mất tích – Ảnh: Znews
Như đã đưa tin trước đó, theo Tạp chí Người Đưa Tin, báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải Phú Thọ cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7). Sự việc xảy ra vào lúc 10h02 ngày 9/9. Trụ T7 bị cuốn sập chính là trụ đã được xử lý xói, gia cường bằng 8 cọc bê tông + mở rộng bệ trụ.
Liên quan đến sự việc trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ.
Công điện nêu: Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hòa Bình và Lào Cai.
Công an tỉnh Phú Thọ cùng các đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng, phương tiện thường trực ở hạ nguồn và dọc bờ sông để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn – Ảnh: Gia đình Việt Nam
Bão, mưa lũ làm ít nhất 26 người chết và mất tích (17 người do lũ, sạt lở đất; 09 người do bão), 247 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Đặc biệt sáng ngày 9/9 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.