Hiện thời tiết miền Bắc có nơi mưa vừa đến rất to. Dự báo trong 3 tháng tới, cần đề phòng mưa bão gây lũ, ngập lụt cho khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Diễn biến đợt mưa to ở miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (25/8), ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 24/8 đến 08h ngày 25/8 có nơi trên 100mm như: Mường Mươn (Điện Biên) 208.8mm, Xuân Khánh (Thanh Hóa) 200.4mm, Yên Thuận (Tuyên Quang) 158.8mm, Bình Văn (Bắc Kạn) 150.4mm, Bạch Ngọc 2 (Hà Giang) 149.9mm, Tân Phượng (Yên Bái) 128.8mm, …
Dự báo thời tiết ngày và đêm 25/8, ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Từ ngày 26/8, mưa lớn có xu hướng giảm dần.
Cảnh báo chiều và đêm 25/8, các nơi khác ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Chiều tối và tối 25/8, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.
Mưa to có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…
Trên biển, hiện nay (25/8), ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Dự báo ngày và đêm 25/8, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.0m.
Miền Bắc còn có mưa to nhiều nơi. Ảnh minh họa.
Dự báo tổng lượng mưa trong 3 tháng tới có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tổng lượng mưa ở Trung Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Cũng theo cơ quan nghiên cứu về khí hậu, cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra gây lũ, ngập lụt cho khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc ở mức xấp xỉ đến muộn hơn trung bình nhiều năm.
Dự báo từ nay đến cuối năm biển Đông sẽ có khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ nay đến cuối năm, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao.
Đáng chú ý theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với trên 630 trận thiên tai gồm cả bão, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Hơn 100 người thiệt mạng và mất tích là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Miền Bắc là khu vực thiệt hại nhiều nhất, 38 người thiệt mạng do sạt lở đất, 26 người do lũ, lũ quét và 13 người do lốc, sét. Nghiêm trọng nhất là thiên tai xảy ra trong tháng 7. Các trận mưa lớn liên tục nối tiếp nhau gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất nghiêm trọng, ngập lụt cũng xảy ra nhiều hơn tại Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Nội…
Dự báo từ giờ đến cuối năm mưa lớn, sạt lở, ngập lụt và bão lũ sẽ nhiều hơn trung bình. Kịch bản này tương đối giống với năm 2020, năm có La Nina hoạt động.
Hiện tượng ENSO vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Theo dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, ENSO có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9 – 11/2024 với xác suất 60 – 70%.
Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh như vậy sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề mưa, bão thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những phân tích và cảnh báo về diễn biến bão từ nay đến hết năm 2024.
“Dự báo, từ nay đến hết năm 2024 có khoảng 9 – 11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và trong đó có khoảng 4 – 6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới có thể tác động đến đất liền. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới năm nay tương đương so với trung bình nhiều năm”, chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Đáng chú ý vào những năm La Nina tác động thì diễn biến mưa bão lũ khốc liệt hơn so với những năm bình thường. Gần đây nhất là năm 2020 cũng có kịch bản ENSO tương đồng khi đầu năm trạng thái El Nino và cuối năm chuyển sang pha La Nina. Năm 2020 là năm kỷ lục của nhiều loại hình thiên tai.
Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều hơn bình thường, mùa mưa dồn dập hơn ở Trung Bộ. Có những điểm ở miền Trung có tổng lượng mưa cao vượt lịch sử (lượng mưa cao gấp 3 – 4 lần so với trung bình nhiều năm).
Với năm 2024, về cuối tháng 8 La Nina có thể bắt đầu tác động nên mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 trở đi, La Nina hoạt động trùng với giai đoạn mưa bão lũ ở miền Trung. Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11 và dồn dập nhất ở khu vực Trung Bộ.
Với miền Bắc mùa mưa sẽ kéo dài đến tháng 10. Trong đó, tháng 8 vẫn là tháng mưa lũ cao điểm. Còn tháng 9 và tháng 10 xu hướng mưa giảm nhưng tổng lượng mưa lại nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 5-30%.
Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo sẽ mưa nhiều suốt từ tháng 8 đến tháng 11. Tổng lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ mưa lớn hơn bình thường 20-30%.
“Với những bài học kinh nghiệm từ những năm La Nina như vậy, người dân cần theo dõi bản tin dự báo từ xa từ sớm và kết hợp với những bản tin cảnh báo thời hạn ngắn từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có phương án ứng phó kịp thời.
Tín hiệu đầu tiên về áp thấp mới gần Biển Đông
Theo Lao Động tin bão, áp thấp nhiệt đới của Cơ quan Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho biết, cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ các đám mây có thể trở thành vùng áp thấp mới gần Biển Đông.
Chuyên gia thời tiết Benison Estareja của PAGASA cho hay: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ chuyển động của những cụm mây này. Dự báo, các cụm mây có thể phát triển thành các luồng đối lưu nông hoặc vùng áp thấp”.
Một cụm mây có khả năng trở thành áp thấp gần Biển Đông. Trong khi đó, bão Shanshan tiếp tục di chuyển về phía bắc.
Theo dự báo bão và áp thấp nhiệt đới mới nhất, một cụm mây ở khu vực Mimaropa, Philippines có khả năng phát triển thành vùng áp thấp mới gần Biển Đông.
Trúc Chi (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mien-bac-lai-sap-mua-rat-to-bien-dong-se-co-khoang-9-11-con-bao-noi-duoi-20424082510383127.htm