Thành tích sa sút không phanh khiến đoàn thể thao Việt Nam trở nên đơn độc khi bị các quốc gia Đông Nam Á bỏ lại ở Olympic Paris 2024.
Thể thao Việt Nam luôn đứng trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ở mỗi kỳ SEA Games. Tuy nhiên, khi bước ra đấu trường lớn hơn, đoàn Việt Nam không đứng “chung mâm” với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, thậm chí tụt hẳn lại so với Philippines.
Thái Lan, Indonesia bỏ xa, Philippines vượt mặt
Sự cô đơn của thể thao Việt Nam bắt đầu từ chính không khí nguội lạnh trước ngày diễn ra Thế vận hội. Không đơn vị nào sở hữu bản quyền truyền hình Olympic Paris 2024. Đừng trách các nhà đài bởi họ cần bỏ ra số tiền quá lớn để phục vụ người hâm mộ theo dõi 16 vận động viên – mà phần đông khó có cơ hội giành huy chương. Qua vòng loại có khi đã là niềm vui.
Văn Vinh thất bại ở nội dung cử tạ.
Cũng đừng hướng mũi dùi chỉ trích trích về vận động viên. Lê Đức Phát bị loại từ vòng bảng môn cầu lông nhưng thứ cảm xúc tuyệt vời mà anh mang lại xứng đáng được ngợi khen.
Tay vợt nam số 1 Việt Nam không bỏ cuộc, khiến đối thủ vất vả từng điểm số. Thùy Linh cũng vậy, cô khiến tay vợt Zhang Beiwen chỉ có thể thắng 22-20. Thu Vinh – nỗi tiếc nuối lớn nhất ở rất gần 1 tấm huy chương ở nội dung 10 mét súng ngắn hơi nữ.
Tuy nhiên, bỏ qua mọi sự ve vuốt, thể thao Việt Nam thực sự đã thất bại ở Olympic Paris 2024. Nếu chăm chỉ vào theo dõi bảng xếp hạng ở trang chủ của Thế vận hội, người hâm mộ chỉ được cập nhật thành tích của quốc gia giành huy chương, ai chưa có được huy chương nào sẽ không xuất hiện. Kết thúc ngày thi đấu 8/8, chỉ 80 quốc gia xuất hiện trong bảng tổng sắp và không có Việt Nam.
Đông Nam Á có 4 quốc gia góp mặt là Philippines (2 HCV, 2 HCĐ), Indonesia (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ). Đoàn thể thao Việt Nam bị bỏ lại rất xa bởi chính các đối thủ vẫn thường so kè trong khu vực.
Người hâm mộ biết rằng giấc mơ cho tấm huy chương danh dự đã kết thúc khi đô cử Trịnh Văn Vinh gục ngã ở sàn đấu cử tạ. Nhưng cay đắng thay, khi thể thao Việt Nam không còn hy vọng là lúc mà Thái Lan, Indonesia liên tiếp giành huy chương vàng Olympic.
Thể thao Việt Nam chờ may mắn đến bao giờ?
Ở các đấu trường thể thao đỉnh cao như Olympic, may mắn là điều quan trọng để các vận động viên có thể giành vinh quang. Nhưng chẳng may mắn nào đến từ sự ngẫu nhiên. Thời tiết rất xấu khiến Ánh Nguyệt bị loại cay đắng khỏi môn bắn cung sau loạt shoot-out. Nhưng, nếu để dự đoán Ánh Nguyệt có huy chương thì những người lạc quan nhất cũng không nghĩ đến.
Thu Vinh ở rất gần tấm huy chương Olympic.
Thu Vinh rất xuất sắc, liên tục đạt thành tích cao nhất trong sự nghiệp. Giới chuyên môn ước rằng cô may mắn hơn một chút để làm nên chuyện.
Ngược dòng 8 năm trước, Hoàng Xuân Vinh giành một huy chương vàng, một huy chương bạc ở Rio 2016. Có ý kiến nói rằng Xuân Vinh cũng chỉ gặp may bởi anh thất bại nhiều lần. Thực tế, chính thất bại đã mang lại vinh quang. Nếu không có sự đầu tư đúng hướng để “được” thất bại nhiều lần, xạ thủ huyền thoại của thể thao Việt Nam đâu có cơ hội mà đến được Olympic 2016. May mắn trong thể thao cũng cần sự tích lũy đủ lớn.
Có điều, thể thao Việt Nam cần phải biết cách để “mời gọi” may mắn đến với mình.
Chiều 8/8, đoàn thể thao Indonesia giành huy chương vàng Olympic Paris 2024 ở bộ môn mà giới trẻ Việt Nam vẫn coi như trò giải trí – môn leo núi thể thao. Đây là môn thể thao không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn, nếu biết cách vận hành phát triển còn có thể “hoàn vốn” nhờ lượng người chơi trẻ tuổi.
Phải chăng, thể thao Việt Nam đang nghĩ quá nhiều đến các môn thể thao nổi bật?
Có một thực tế, chúng ta cần tấm huy chương Olympic chứ không phải huy chương ấy ở môn nào. Chuyện này khác hoàn toàn ở đấu trường SEA Games, khi tỉ lệ huy chương ở các môn Olympic được nhắc đến.
Cần lắm một công trình nghiên cứu khoa học rằng đâu mới là môn thể thao phát huy tối đa điểm mạnh của người Việt Nam? Đâu là môn thể thao mà nhiều nước “bỏ quên”?
Khái quát hơn, đâu là “thị trường ngách” cho thể thao Việt Nam?