Trận động đất 5 độ richter vừa xảy ra vào 11 giờ 35 phút 10 giây, ngày 28/ 7 tại huyện Kon Plông được cho là trận động đất lớn nhất từ trước đến ở Kon Tum.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tính đến 11 giờ 35 phút 10 giây, ngày 28-7, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 trận động đất. Trong đó có trận động đất 5 độ richter lớn nhất từ trước đến nay tại Kon Tum.
Vị trí trận động đất xảy ra vào khoảng 11h35 ngày 28/7 tại tỉnh KonTum khiến nhiều nhà cửa ở Đà Nẵng bị rung lắc
Cụ thể, 4 trận động đất xảy ra trong sáng nay tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có độ lớn lần lượt là: 3,4 độ richter (lúc 3 giờ 12 phút 14 giây), 3,3 độ richter (lúc 8 giờ 35 phút 29 giây), 4,1 độ richter (lúc 11 giờ 17 phút 46 giây); 5,0 độ richter (lúc 11 giờ 35 phút 10 giây).
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay: Trận động đất 5,0 độ richter là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Kon Tum. Cấp độ rủi ro mức 2 tại khu vực tâm chấn và lân cận. Địa phương đang tiến hành kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại. 3 trận động đất còn lại không gây rủi ro thiên tai.
Trận động đất mạnh này khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng bị rung lắc. Người dân ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ,… cảm nhận được rung lắc do dư chấn từ trận động đất. Nhiều người ở các tòa nhà cao tầng đã chạy ra ngoài khi động đất xảy ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.
Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 68 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 57 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ richter. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận).
‘Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.’- ông Xuân Anh cho hay.