Ông Trịnh Văn Quyết sẵn tiền gần 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả

Tại tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết tiết lộ số tài sản ‘đóng băng’ ước tính gần 5.000 tỷ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.

Chiều 23/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trả lời câu hỏi của các luật sư, theo cáo trạng bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự lên đến 4.300 tỷ đồng cho hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, ý kiến của bị cáo về nội dung này như thế nào?

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC khai, nếu bị HĐXX tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục. Đây là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.

Bị cáo Quyết bày tỏ mong muốn được HĐXX tạo điều kiện, gỡ tài sản đã phong toả trong 2 năm qua để khắc phục hậu quả. Cựu chủ tịch FLC cho hay, hiện ông mới được tạo điều kiện để bán ‘đứa con tâm huyết nhất’ là hãng hàng không Bamboo Airways.

Theo ông Quyết, số tiền 200 tỷ người mua trả đã được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng, 500 tỷ tiếp theo sẽ được chuyển tiếp khi đối tác thanh toán.

“Nếu bị kết luận phải có trách nhiệm đối với số tiền nêu trên, tôi sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Hội đồng xét xử, và luôn mong muốn được khắc phục hoàn toàn. Tôi cũng mong muốn nhận hết trách nhiệm cho những bị cáo liên đới khác”, ông Quyết bày tỏ.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại toà.

Cũng tại phiên tòa hôm nay, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ của ông Quyết cho hay sáng hôm qua, 22/7, bà đã thay chồng nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng. Hiện số tiền bị cáo Quyết đã nộp là hơn 237 tỷ đồng, là người khắc phục nhiều nhất trong 50 bị cáo. Bà nói ngoài các tài sản bị kê biên, vợ chồng bà không có tài sản gì khác.

Bà Diệp cho biết thêm, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng ông Quyết và bà này. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng.

“Tôi đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này”, bà Diệp trình bày.

Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Trong đó, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng; hành vi Thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại gần 685 tỷ đồng. Tổng cộng 4.305 tỷ đồng.

Theo đó, ông Quyết cùng đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Các bị cáo sử dụng thông tin của nhiều cá nhân là nhân viên, người quen để ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ủy thác đầu tư…, sau đó tạo lập hồ sơ để đề nghị niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Theo Tiểu An (Vietnamfinance.vn)

https://vietnamfinance.vn/ong-trinh-van-quyet-san-tien-gan-5000-ty-dong-de-khac-phuc-hau-qua-d113728.html