Câu chuyện một khách hàng chia sẻ, khi một người nhắn tin đề nghị chuyển khoản thanh toán cho món hàng vừa ship, chị thực hiện chuyển tiền, bất ngờ giao dịch bị phanh lại cùng dòng chữ cảnh báo khiến khách vô cùng kinh ngạc.
Ngân hàng phanh tiền lại, cảnh báo tài khoản lừa đảo
Câu chuyện một khách hàng chia sẻ mới đây, khi bị một đối tượng giả người giao hàng nhắn đã chuyển hàng tới nhà và đề nghị chuyển khoản thanh toán cho món hàng. Do thường xuyên đặt hàng online, chị không mảy may nghi ngờ, bấm chuyển tiền vào số tài khoản do người kia nhắn tới.
Khi khách hàng thao tác chuyển tiền online trên app MB, dù chỉ vài trăm ngàn đồng, chị nhận được dòng chữ cảnh báo tài khoản lừa đảo. Chị kịp dừng lại và chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, cảm ơn ngân hàng đã cảnh báo ngăn chặn, khách hàng kịp thời dừng tay giữ lại được tiền.
Điều này cho phép khách hàng yên tâm khi thực hiện giao dịch với người lạ, hoặc tài khoản đáng nghi, bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình.
MB là ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo.
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc khối Ngân hàng số (Ngân hàng MB), cho biết, khách hàng khi giao dịch trực tuyến trên MB cần xác thực đa yếu tố. Ngoài yêu cầu xác thực OTP và xác thực khuôn mặt, khách hàng sẽ được cảnh báo về tài khoản lừa đảo.
Tính năng cảnh báo lừa đảo của MB hiển thị khi khách hàng chuyển tiền đến một số tài khoản của đối tượng được cho là lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.
MB hiện là ngân hàng duy nhất triển khai tính năng này. Một số ngân hàng lớn với lượng khách hàng “khủng” – vốn đầu tư mạnh mẽ về công nghệ – như nhóm Big4, Techcombank, VPBank,… cũng chưa triển khai. Tuy nhiên, một số nhà băng đã thực hiện việc lập danh sách các tài khoản nghi ngờ được dùng làm phương tiện lừa đảo, gian lận.
Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia bảo mật, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho hay, hiệp hội chuẩn bị ra mắt phần mềm “Chống lừa đảo”, giúp người dùng phát hiện các số tài khoản, số điện thoại, đường link và ứng dụng lừa đảo trước khi thực hiện giao dịch hoặc trước khi thực hiện cài đặt trên điện thoại.
Đây là một loại ứng dụng (app) được cài đặt vào điện thoại. Tuy nhiên, app này chưa có trên chợ ứng dụng vì phải chờ Google và Apple phê duyệt, dự kiến trong tháng 7.
“Ngoài tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản của đối tượng lừa đảo, app “Chống lừa đảo” còn có thể nhận diện số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Khi đó, người nhận được cuộc gọi sẽ thấy cảnh báo hiển thị trên màn hình điện thoại. Phần mềm này còn phát hiện và cảnh báo về những app lừa đảo khi người dùng thực hiện cài đặt”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý nếu người dùng phớt lờ cảnh báo, vẫn tiếp tục chuyển tiền hoặc tiếp tục cài đặt phần mềm độc hại, những cảnh báo sẽ không có tác dụng.
Cũng theo ông Sơn, việc áp dụng Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (yêu cầu giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học) đến nay đã “hanh thông” cho thấy sự nỗ lực của các ngân hàng.
Theo ông Pranav Seth – Giám đốc khối Chuyển đổi Ngân hàng số, Techcombank – để tăng cường an toàn trong giao dịch cho khách hàng, từ tháng 12/2023, nhà băng này đã thành lập một nhóm dự án quy tụ 60 chuyên gia, thuộc nhiều lĩnh vực, để cung cấp một cơ sở hạ tầng có thể đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho khách hàng.
“Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu với hơn 200 mẫu điện thoại di động khác nhau, với những vị trí kết nối NFC khác nhau, để có thể thông tin đến khách hàng bằng nhiều hình thức”, ông Pranav Seth nói.
Ngoài ra, nhà băng này cũng đào tạo về bảo mật thông tin cho 5.000 nhân viên trực tiếp chăm sóc khách hàng.
Nhờ đó, Techcombank là ngân hàng có số lượng khách hàng đăng ký sinh trắc học lớn nhất hệ thống, với hơn 2,1 triệu khách hàng tính đến ngày 3/7, trong đó chỉ có 150.000 khách hàng đăng ký xác thực tại quầy.
Lễ ký kết dịch vụ xác thực điện tử giữa VCB và Bộ Công an. Ảnh: VCB.
Còn tại Vietcombank, trong ngày đầu tiên thực hiện xác nhận sinh trắc học, ngân hàng này đồng thời ký hợp đồng sử dụng dịch vụ xác thực điện tử với Bộ Công an.
Với thỏa thuận này, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học trực tuyến thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VneID.
Khách hàng của ngân hàng A cũng là khách hàng của ngân hàng B
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng vừa tổ chức một cuộc họp với các hội viên để bàn về việc xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến nghi ngờ về gian lận, lừa đảo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, đánh giá các ngân hàng đã xây dựng một quy trình bảo vệ khách hàng rất đầy đủ, có thể đảm bảo được sự an toàn cho khách hàng của chính ngân hàng đó. Nhưng trong cuộc chiến chống lừa đảo, nhằm gia tăng bảo vệ sự an toàn cho người dùng, cần có sự phối kết hợp giữa các TCTD, các đơn vị trung gian thanh toán.
“Khách hàng của mình nhưng giao dịch lại thông qua tài khoản của ngân hàng khác, vì vậy cần có quy trình trên tinh thần khách hàng của ngân hàng A cũng là khách hàng của ngân hàng B; “thượng đế” của một ngân hàng cũng là “thượng đế” của tất cả ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Chia sẻ với quan điểm trên, ông Pranav Seth cho rằng đây cũng là thời điểm phù hợp để các bên cùng nhau xây dựng cách truyền thông, để khách hàng hiểu rõ hơn việc lừa đảo ngày càng phức tạp, khách hàng càng cần phải nâng cao nhận thức.
Trong khi đó, bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc khối bán lẻ (Ngân hàng Vietcombank), nhận xét, qua việc triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học cho khách hàng, có thể thấy một mình ngân hàng không thể làm được gì trong chuyện bảo vệ hành vi khách hàng trên kênh số mà cần có sự đồng lòng của Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.