Giới y học lo ngại về vi khuẩn ăn thịt người tại Nhật Bản: “Bệnh nhân sưng tấy bàn chân vào buổi sáng, lan sang đầu gối vào buổi trưa, thiệt mạng trong vòng 48 giờ”

Số ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người đang tăng cao kỷ lục tại Nhật Bản khiến người dân và du khách vô cùng hoang mang. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 30%.  

Theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, số ca mắc hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS), hay dịch bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” đã ở mức cao kỷ lục tại nước này.

Cụ thể, tính đến ngày 2/6/2024, Nhật Bản ghi nhận 977 ca mắc, vượt mức kỷ lục 941 ca của cả năm 2023. Với đà tăng hiện tại, chuyên gia Ken Kikuchi của ĐH Y khoa Phụ nữ Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, số ca nhiễm STSS tại Nhật Bản có thể chạm ngưỡng 2.500 ca trong năm nay, với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”

Vi khuẩn ăn thịt người là một cụm từ được các phương tiện truyền thông mô tả hiện tượng bệnh viêm mạc cân hoại tử. Đây là một căn bệnh nặng có thể khởi phát đột ngột và lây lan nhanh chóng.

Giới y học lo ngại về vi khuẩn ăn thịt người tại Nhật Bản: Bệnh nhân sưng tấy bàn chân vào buổi sáng, lan sang đầu gối vào buổi trưa, thiệt mạng trong vòng 48 giờ - Ảnh 1.

Ảnh hiển vi điện tử của liên cầu khuẩn nhóm A – Ảnh: US National institute of Allergy and Infectious Diseases

Theo đài NHK World Japan, STSS chủ yếu do liên cầu khuẩn nhóm A (GAS) gây ra và ảnh hưởng đến người từ 30 tuổi trở lên. Bệnh nhân có thể bị hoại tử chân tay và suy đa tạng. Việc nhiễm trùng này diễn biến nhanh chóng và có thể gây tử vong. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Giáo sư Kikuchi Ken cho biết, vi khuẩn STSS thường được cho là xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, nhưng trong một số trường hợp không thể xác định chính xác được nguyên nhân lây nhiễm. Ông lưu ý rằng có những trường hợp các triệu chứng phát triển nhanh chóng sau khi va chạm dẫn tới bầm tím.

“Sưng tấy có thể xuất hiện ở bàn chân vào buổi sáng, lan sang đầu gối vào buổi trưa và phần lớn bệnh nhân thiệt mạng trong vòng 48 giờ”, giáo sư Ken nói.

Bên cạnh việc sưng tấy, sốt cao kèm mê sảng cũng là dấu hiệu cần được chăm sóc y tế tức thì. Ông kêu gọi mọi người gọi xe cứu thương ngay lập tức nếu chỗ sưng lan nhanh, bị sốt cao hoặc nếu cảm thấy bải hoải vì những triệu chứng này cần được chữa trị y tế khẩn cấp. Ông cũng nhắc nhở rằng, vi khuẩn “ăn thịt người” có thể dễ dàng lây lan qua vết thương ở bàn chân. Chính vì vậy, người dân không nên bỏ qua những vết thương nhỏ ở bàn chân hoặc gót chân và cần được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng nhiễm bệnh sau 24h:

– Đau mạnh hơn bình thường ở xung quanh vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước,…

– Có các triệu chứng giống cảm cúm như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chóng mặt, khó chịu trong người.

– Thấy khát nước liên tục.

Những triệu chứng này thường không xuất hiện riêng lẻ mà xuất hiện cùng nhau. Sau 24 giờ có các triệu chứng bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nếu người bệnh vẫn chưa được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn như hoại tử nặng, sốc nhiễm độc và tử vong sau vài ngày.

Vi khuẩn ăn thịt người thường gây bệnh ở các vị trị như: Cánh tay, bàn tay, bàn chân và cẳng chân. Tuy nhiên, vi khuẩn ăn thịt người cũng có thể gây tổn thương ở vùng đầu, cổ, bẹn,…

Giới y học lo ngại về vi khuẩn ăn thịt người tại Nhật Bản: Bệnh nhân sưng tấy bàn chân vào buổi sáng, lan sang đầu gối vào buổi trưa, thiệt mạng trong vòng 48 giờ - Ảnh 2.

Dự báo số ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người tại Nhật Bản có thể lên tới 2.500 ca – Ảnh: AFP

Khi nào cần đến bệnh viện khám?

Khi thấy các triệu chứng vi khuẩn ăn thịt người cần đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa được những biến chứng nặng như cụt chi, nhiễm khuẩn nặng, hôn mê sâu, tử vong,…

Các triệu chứng nặng của viêm cân mạc hoại tử cần được đưa đến bệnh viện ngay:

– Xuất hiện các vết loét, mụn nước hoặc các đốm đen xung quanh vết thương.

– Thay đổi màu sắc của da ở xung quanh vùng bị tổn thương (trở nên trắng bạch).

– Có mủ chảy ra từ vết thương.

– Người bệnh cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi,

– Có thêm các triệu chứng đi kèm như tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Điều khiến cho bệnh viêm cân mạc hoại tử trở nên nguy hiểm là do tốc độ lây lan và tiến triển rất nhanh (có thể trong vòng vài giờ). Vi khuẩn phóng độc nhanh chóng gây ra hoại tử các vùng xung quanh vết thương, ăn sâu vào các mô và phá hủy kết cấu gây ra tình trạng hoại tử nặng. Tình trạng kéo dài có thể khiến người bệnh bị sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, bị cắt cụt tứ chi, thậm chí tử vong. Vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường ở vết thương hở, bạn cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng.

Hồng Kông kêu gọi người dân cẩn thận khi đi du lịch Nhật Bản

Theo SCMP, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã kêu gọi người Hồng Kông (Trung Quốc) phải cẩn thận khi đi du lịch Nhật Bản, sau khi nước này ghi nhận số ca vi khuẩn ăn thịt người tăng cao.

Tiến sĩ Wilson Lam, phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hồng Kông giải thích, người dân không cần lo lắng đến mức tránh đi du lịch Nhật Bản nhưng nên duy trì tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân cao, bao gồm rửa tay và đeo khẩu trang ở những nơi đông người, cũng như chăm sóc vết thương đúng cách để bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm trùng tốt hơn.

Theo NHK, BV Tâm Anh, SCMP

Nguồn : https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gioi-y-hoc-lo-ngai-ve-vi-khuan-an-thit-nguoi-tai-nhat-ban-benh-nhan-sung-tay-ban-chan-vao-buoi-sang-lan-sang-au-goi-vao-buoi-trua-thiet-mang-trong-vong-48-gio-a435323.html