Một câu chuyện ”hoang đường” từ 14 kiếp trước được thuyết giảng tại chùa Ba Vàng nhằm ”giáo dục” các em học sinh trong khóa tu mùa hè tại chùa này.
Gần đây, mạng xã hội lan truyền một clip với nội dung ghi lại tại khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh). Người xuất hiện chính trong clip là bà Phạm Thị Yến và 1 em học sinh tên K.L, bên cạnh là thầy Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, ngồi bên dưới nghe thuyết giảng là hàng nghìn trẻ em tham gia khóa tu.
Đáng chú ý, trong clip, học sinh K.L nức nở khóc, còn bà Yến đứng bên cạnh và kể lại một câu chuyện được cho là đã diễn ra từ 14 kiếp trước của học sinh này.
Lời kể của bà Yến cho biết, trong 14 kiếp trước bạn K.L là người có nhà cạnh chùa, nên muốn lấn chiếm phần đất của chùa. Còn oan gia trái chủ của K.L là một vong linh – một cô gái rất đẹp trong làng. Trong kiếp đó, K.L đã rủ, mua chuộc vong linh đó tối tối đến trước cổng chùa trang điểm và hát hò, làm cho 3 người sư ở trong chùa (vì tuổi còn trẻ) bị động tâm.
Bà Yến kể thêm, khi các sư bị động tâm và lấy tiền chùa cho vong linh tiêu. Chính vì thế, vong linh đó nhiều kiếp bị làm gái lầu xanh. “Còn K.L chỉ có ý định chiếm đất của chùa nhưng đã biết sám hối ở kiếp đó và không tiêu tiền của chùa nên được làm người” – bà Yến nói.
Người này giải thích, do kiếp trước K.L khởi ý, rủ vong linh, khiến nó làm việc ác nên kiếp này vong linh oán và thành oan gia trái chủ của K.L.
Từ trường hợp của K.L bà Yến nói với các học sinh đang theo học khóa tu là: “ai có ý định rủ người khác làm việc ác, thì người đó có tội rất nặng, và người làm theo tội cũng nặng”.
Bà Phạm Thị Yến thuyết giảng về ”oan gia trái chủ” – Ảnh cắt từ clip
Đáng chú ý, người này cho rằng, do nhân duyên sám hối, mà K.L được sinh ra trong gia đình có bố mẹ cho đi chùa tu tập. Đồng thời, ở chùa có các quy định, khiến cho các em tu 1 tuần sẽ tiêu được rất nhiều nghiệp.
“Như thế K.L sẽ tiêu được nghiệp trong đời này như những chật vật trong đường tình duyên và đường hạnh phúc gia đình nếu không có thể bị hãm hiếp, hoặc bị lấy rất nhiều chồng mà toàn những người phụ bạc, không tốt với mình” – bà Yến nói.
Người này còn nói, do K.L không tuân thủ (vi phạm nội quy khóa học, đánh phấn son – PV) cho nên oan gia trái chủ này mới về báo oán. Dù nói K.L bị báo oán, song bà Yến lại cho rằng, báo oán lại rất hạnh phúc, vì nó báo oán ở ngay chùa nên hôm nay sẽ được giải.
“Vong linh hôm nay muốn thầy (Thích Trúc Thái Minh – PV) quy y cho nó. Cả tín chủ và vong linh phải sám hối thầy, sám hối trước đại chúng thì nghiệp mới tiêu được. Và K.L sau đó phải làm công quả 7 ngày ở chùa, nên khóa sau mà K.L về đây làm tình nguyện viên, luôn đi nhắc nhở các em không được trang điểm, để lấy đó làm công đức, để hồi hướng” – bà Yến nói, đồng thời giải thích thêm: “Nếu như trong 1 tuần này, các em tuân thủ quy định, thì nghiệp của các em tiêu đi một phần, các em càng đến nhiều thì càng tiêu được nhiều phần ác duyên, ác nghiệp”.
Cuối video Thích Trúc Thái Minh yêu cầu bà Yến dẫn K.L ra sám hối thầy. Tiếp đó, bà Yến đưa K.L đi xuống và yêu cầu cả đại chúng (tất cả các em nhỏ) cùng quỳ để sám hối nghiệp này nếu có.
Trụ trì chùa Ba Vàng nói bạn K.L không dự khóa tu, không sám hối thì sẽ phải lấy nhiều đời chồng và lấy những người vũ phu do quả báo. Ảnh cắt từ clip
Tiếp theo diễn biết của câu chuyện trên, phóng viên Báo Công Thương đã tìm được video thứ 2 ghi lại hình ảnh khi bạn K.L quỳ sám hối, trụ trì chùa Ba Vàng – Thích Trúc Thái Minh nói với nữ sinh này: “Trong 14 kiếp trước, con cùng vong linh khởi những tâm bất thiện với phật pháp tăng như: Muốn cướp đất chùa, chọc ghẹo chư tăng, làm cho 3 vị tăng hoàn tục nên vong linh bị mắc quả báo, nhiều kiếp đau khổ, làm gái lầu xanh. Còn K.L nếu hôm nay không về chùa tu khoá tu này, không sám hối thì sẽ gặp quả báo, vất vả vô cùng trong đường tình duyên, phải lấy nhiều đời chồng và gặp những người chồng vũ phu”…
Có thể nói, đây là câu chuyện hoang đường, nhảm nhí không thể có thật. Tuy nhiên, qua lời kể từ bà Yến thêm vào đó là sự đồng tình của Thích Trúc Thái Minh – một vị tu sỹ thường xuyên giảng giải phật pháp cho hàng nghìn phật tử đã khiến nhiều em nhỏ “vỗ tay” hoan hỷ tán dương và tin tưởng vào câu chuyện này.
Hiện chưa xác định được nguồn gốc, cũng như thời điểm của các video trên được ghi lại, tuy nhiên phía dưới phần bình luận, cộng đồng mạng bày tỏ bức xúc khi ngôi chùa này thuyết giảng và kể chuyện cho các em thiếu niên những câu chuyện “hư cấu, hoang đường” như vậy.
Tài khoản A.V bày tỏ phẫn nộ: “Một lũ khốn nạn, tiêm nhiễm mê tín dị đoan với con trẻ để moi tiền phụ huynh”. Tương tự, tài khoản T.N nói: “Bố mẹ ngu ngục mới đưa con mình đi dự để chúng bị đầu độc, nhồi sọ nhảm nhí như thế này”.
Tài khoản V.N: “Gửi các con vào môi trường này để học cách lươn lẹo rồi xã hội thêm lừa lọc sao, thế hệ sau rồi hỏng hết”. Còn tài khoản T.N.C cho hay: “Có vong nhập hay không thì không biết. Nhưng nên tách riêng mảng chùa Phật và cúng vong. Vì đạo Phật không có chuyện nhập vong, nhập quỷ, nhập thần”…
Hình ảnh tại Lễ Khai mạc Khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng năm 2024. Ảnh: từ website chùa Ba Vàng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trước đó, ngày 12/6/2024 (tức ngày 7/5/Giáp Thìn), chùa Ba Vàng đã long trọng tổ chức “Lễ Khai mạc Khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng năm 2024!” với sự tham gia của hàng chục nghìn các em, thanh, thiếu niên tham dự.
Liên quan đến các khóa tu mùa hè đang nở rộ trong thời gian gần đây, trên trang Facebook cá nhân, Nhà báo Nguyễn Quyết – Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí điện tử Gia đình mới – nêu quan điểm, các phụ huynh cứ nghĩ gửi con lên chùa là yên tâm, môi trường thanh tịnh. Tuy nhiên, những ngôi chùa này trước hết, được thiết kế dành cho những nhà sư – những người chỉ có nhu cầu tối thiểu.
Để phục vụ hàng ngàn trẻ em sống, sinh hoạt, học tập trong đó thì đòi hỏi cả một bộ máy, được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. “Mà như thế, nó không còn là ngôi chùa nữa rồi!” – Nhà báo Nguyễn Quyết nói.
Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí điện tử Gia đình mới – nghĩ, có thể nhiều người thường nghe podcast của thầy Thích Nhất Hạnh nói chuyện với trẻ em nên thấy thật ý nghĩa, và cho rằng trẻ được gieo nhiều hạt mầm thiện, hạt giống yêu thương. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thấu hiểu và truyền đạt được những điều đó. Nếu không khéo, lại dẫn dắt trẻ vào con đường mê tín, u mê.
“Mình từng xem cuốn sách về nội dung Luật Nhân Quả do con trai cầm về sau khi tham quan 1 ngôi chùa do nhà trường tổ chức mà cảm thấy sửng sốt, sao lại có thể viết – minh họa những thứ vô cùng lệch lạc, thiếu hiểu biết và đi ngược lại với tinh thần phật giáo như vậy được!? Thế mà rất nhiều người đi chùa, đã cầm về đọc cho con cháu nghe, coi như công cụ giáo dục” – Nhà báo Nguyễn Quyết kể.
Theo ông, “không giống trong phim, không giống hình ảnh rất chill mà người ta thường post lên Facebook, chùa mang những sứ mệnh khác và có lẽ là chưa hợp với việc trở thành một nơi làm dịch vụ kiểu như “khoá tu mùa hè”.
Nhà báo Nguyễn Quyết phân tích, tu nghĩa là “sửa” – người ta đi tu nghĩa là đi “sửa mình”. “Nếu muốn trẻ con có chỗ vui chơi hè, học những thứ ý nghĩa hoặc kỹ năng cần thiết với cuộc sống, thì có rất nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn! Đừng bắt trẻ theo khoá tu chỉ vì bố mẹ nghĩ là nó giúp con “sửa mình. Thứ duy nhất cần sửa, đôi khi lại chính là bố mẹ!” – Nhà báo Nguyễn Quyết bày tỏ quan điểm.