Thành phố thi tuyển phó giám đốc 3 sở gồm Văn hóa Thể thao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ trong năm nay, theo Phó chủ tịch Võ Văn Hoan.
Nội dung được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết tại buổi giám sát thực hiện Nghị quyết 73 của HĐND thành phố về cải cách hành chính, chế độ công vụ trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, sáng 12/6.
Theo ông Hoan, từ cuối năm 2022, thành phố bắt đầu thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương tại 6 sở, ngành, quận, huyện. Trong tuần tới, thành phố tổ chức tổng kết đợt thi để làm cơ sở tiếp tục triển khai trong năm nay.
Thành phố sẽ tổ chức hội đồng thi ở hai cấp. Hội đồng cấp thành phố tuyển ba phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ. Đây là lần đầu tiên thành phố thi tuyển lãnh đạo sở. Các quận, huyện, sở ngành thiếu cán bộ quản lý cấp phòng cũng tổ chức thi tuyển.
Ông Hoan cho biết so với toàn quốc, TP HCM thi tuyển lãnh đạo chậm hơn, song “sẽ kiên trì thực hiện”. Thành phố mong muốn thi tuyển vị trí lãnh đạo sở tạo sự cạnh tranh cho tất cả cán bộ, người giỏi, có tầm và mong muốn cống hiến. Các ứng viên sẽ thể hiện bản lĩnh khi đối diện với hội đồng thi, chuẩn bị tâm thế, kế hoạch, phát triển lĩnh vực được phân công.
Đối với các phòng thuộc sở, ngành tâm thế thi tuyển cũng tương tự để tìm ra được cán bộ giỏi, mong muốn cống hiến.
Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị ở thành phố do UBND TP HCM ban hành hồi tháng 9/2022.
Người đăng ký dự tuyển phải là cán bộ, công viên chức, gồm 3 nhóm: nhân sự tại chỗ, từ nơi khác và được đề cử. Hai nhóm đầu phải nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc tương đương, còn người được đề cử có thể không nằm trong quy hoạch nhưng được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử.
Hội đồng thi tuyển chức danh cấp sở, huyện tối đa 17 người, đứng đầu là Chủ tịch UBND TP HCM; hai phó chủ tịch gồm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó chủ tịch UBND phụ trách đơn vị có chức danh thi tuyển; nếu cần mời 1-4 chuyên gia, nhà quản lý.
Với thi tuyển chức danh cấp phòng, hội đồng thi do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm người trong tổ chức, tối đa 11 người, có thể mời thêm chuyên gia. Thành viên hội đồng thi không có quan hệ gia đình với ứng viên, không bị kỷ luật.
Ngoài ra, cán bộ, công chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử có thể thi tuyển. Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ được dự thi vị trí cao hơn liền kề chức vụ hiện tại, nếu không phải có thời gian công tác tối thiểu 3 năm trong ngành, lĩnh vực và chỉ thi chức danh phó trưởng phòng hoặc tương đương.
Quá trình thi tuyển diễn ra trong 75 ngày, tính cả thời gian phúc khảo. Nếu hồ sơ được đánh giá đủ điều kiện, ứng viên phải trải qua hai vòng thi: viết (180 phút) và trình bày đề án (70 phút).
Sau hai vòng thi, nếu thí sinh có điểm bằng nhau, Hội đồng thi lấy ý kiến cấp uỷ và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để quyết định, ưu tiên theo 4 tiêu chí: nữ (với đơn vị chưa có lãnh đạo nữ); người giữ chức vụ cao hơn; chức vụ tương đương thì ưu tiên người giữ chức lâu hơn; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo sẽ ưu tiên người thâm niên lâu hơn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ năm 2020, 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở và phòng.