Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cho rằng bản án 4 năm tù là quá nghiêm khắc, hậu qủa vụ án 365 tỷ đồng đã được khắc phục, bản thân không vụ lợi… nên xin tòa cho hưởng án treo.
Sáng 23/4, sau một ngày TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu cục phó Thuế) được gọi trình bày lý do kháng cáo vụ án sai phạm liên quan Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và một số đơn vị.
Trả lời HĐXX, bà Hạnh cho biết bản án 4 năm tù mà tòa án cấp sơ đã tuyên là quá nặng. Việc hoàn thuế đã được thực hiện theo quy trình của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của pháp luật. Theo quy trình, việc hoàn thuế được thực hiện theo 5 bước; trong đó từ bước một đến 4 là do các công chức thuế lập hồ sơ, tờ trình, đến bước thứ 5 lãnh đạo cục thuế sẽ ký các quyết định hoàn thuế.
Theo bà Hạnh, hằng năm Cục thuế sẽ có kế hoạch để thanh tra lại các doanh nghiệp đã hoàn thuế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Thuduc House không nằm trong kế hoạch thanh tra, nhưng với sự nhạy bén trong công việc, các cán bộ công chức Cục Thuế TP HCM đã dùng các biện pháp nghiệp vụ để nghiên cứu, đánh giá rủi ro hoàn thuế của Thuduc house.
“Thậm chí qua công tác thanh tra thuế lần một tại Thuduc House, các cán bộ thuế vẫn chưa phát hiện ra sai phạm. Đến lần thanh tra thứ hai, Cục thuế đã huy động những cán bộ giỏi nhất của ngành mới phát hiện và chứng minh sai phạm của Thuduc house”, bị cáo Hạnh nói và cho rằng, sai phạm của mình và cấp dưới xảy ra do nhóm bị cáo Thủ Đức House chiếm đoạt tiền thuế đã thực hiện hành vi “quá tinh vi”.
Bà Hạnh xin HĐXX xem xét cho hưởng án treo vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như: số tiền hoàn thuế 365 tỷ đồng thất thoát đã được thu hồi đầy đủ; Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP HCM đã có công văn gửi TAND, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho biết các công chức thuế (là bị cáo trong vụ án) đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của các văn bản cấp trên, thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định của Bộ Tài chính; bản thân bà Thu có nhiều thành tích trong công tác…
Ngoài ra, cựu cục phó Thuế cho biết, bản thân có công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và đã được Bộ Tài chính nghiệm thu. Hiện bà bị trầm cảm, đang phải điều trị tại bệnh viện thâm thần, phải chăm sóc mẹ già trên 80 tuổi, nên xin tòa xem xét khoan hồng.
Trong ngày hôm qua, 41 bị cáo khác đã lần lượt trình bày nội dung kháng cáo (một bị cáo đã rút đơn tại tòa). Trong đó, 9 cán bộ thuế cũng trình bày yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự, hoặc được áp dụng hình phạt tiền.
Phiên phúc thẩm sẽ kéo dài đến ngày 26/4.
Bản án sơ thẩm xác định, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) là chủ mưu các sai phạm xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TP HCM và một số đơn vị khác. Tuy nhiên, Dũng đã bỏ trốn, nên cơ quan điều tra tách hành vi của người này thành vụ án khác, xử lý sau.
Từ năm 2018 đến 2020, Dũng chỉ đạo đồng phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế thông qua hợp đồng giả mạo giữa các công ty trong và ngoài nước do nhóm mình điều hành. Dũng và đồng phạm đã móc nối với nhiều người tại Thuduc House ký hàng trăm hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài để bán linh kiện điện tử cho các đối tác. Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu là hơn 158 triệu USD (hơn3.600 tỷ đồng).
Để hợp thức hóa hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử lòng vòng với nhiều công ty trong nước do nhóm Dũng chỉ định, tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Thực tế đây là hàng giả. Dũng và đồng phạm đã nâng khống giá trị các hàng hóa này lên gần 400 lần để lợi dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất 0%, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Thuduc House sau đó lập 19 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP HCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn430 tỷ đồng. Cục Thuế TP HCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế hơn 365 tỷ đồng cho công ty này. Trong đó, bà Hạnh ký 15 quyết định hoàn thuế với số tiền hơn 331 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến 2020, Trịnh Tiến Dũng còn đã sử dụng hàng chục công ty “ma” trong và ngoài nước do mình thành lập ký gần 250 hợp đồng xuất, nhập khẩu DVD Rom chứa phần mềm Adobe giả, Chip, Ram, Card màn hình… để hợp thức hóa việc chuyển trái phép tổng cộng hơn 75,6 triệu USD (tương đương 1.700 tỷ đồng) qua biên giới. Để cho các công ty “ma” được phép hoạt động, Dũng và đồng phạm đã chi tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ thuế các quận.
Ngoài ra, thông qua Công ty Indo Vina và Công ty Hà Giang, Dũng cùng đồng phạm đã dùng thủ đoạn khai báo gian dối để buôn lậu 39 lô hàng trị giá hơn 72 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỷ. Dũng chỉ đạo đồng phạm chi 2-8 triệu đồng trên mỗi lô hàng cho 7 cán bộ hải quan Chi cục hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, để được bỏ qua việc kiểm tra hàng hóa.
Gần 50 bị cáo bị phạt từ 2 năm tù treo đến 20 năm tù về nhóm tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí; Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
5 bị cáo còn lại bị phạt tiền từ 800 triệu đến một tỷ đồng về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.