Trợ lý Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ai? Tiêu chuẩn của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội như thế nào? – Hà Thu (Bình Thuận)
Trợ lý Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ai? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Chủ tịch Quốc hội được sử dụng tối đa bao nhiêu Trợ lý?
Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý.
2. Trợ lý Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ai?
Theo Thông báo 327/TB-VPQH ngày 11/3/2024 về việc phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Trợ lý, Thư ký đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thì Trợ lý Chủ tịch Quốc hội hiện nay bao gồm: ông Phạm Thái Hà, ông Bùi Thế Cử và ông Hoàng Xuân Hòa.
Đồng chí Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Đồng chí Bùi Thế Cử – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Đồng chí Hoàng Xuân Hòa – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
3. Tiêu chuẩn của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
Tiêu chuẩn của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 4 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021 như sau:
* Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
– Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức.
– Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống giản dị, khiêm tốn, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết nội bộ; không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi; không để gia đình, người thân lợi dụng uy tín bản thân để trục lợi. Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; có ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
– Trung thành, trung thực, tận tụy, thận trọng, thẳng thắn; gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác, kỷ luật phát ngôn; giữ bí mật nội dung công việc.
* Về trình độ chuyên môn
Có trình độ đại học trở lên, nắm vững về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
* Về năng lực và uy tín
Hiểu biết về lĩnh vực được phân công; có khả năng tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả; có tác phong làm việc khoa học, khả năng làm việc độc lập; được lãnh đạo, đồng nghiệp nơi công tác và cơ quan, cá nhân nơi phối hợp công tác tin tưởng, tín nhiệm.
* Có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu về lĩnh vực được phân công; có năng lực nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin và tham mưu; có khả năng phối hợp công tác.
* Giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm; trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội
* Nhiệm vụ
– Tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của đồng chí lãnh đạo.
– Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí lãnh đạo.
– Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.
– Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.
* Quyền hạn
– Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.
– Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.
– Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc.
(Điều 5 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021)