Sau lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ, nhiều khách hàng “té ngửa” khi phát hiện hợp đồng không giống như lời đại lý tư vấn trước đó.
Mất niềm tin, khách hàng bỏ hợp đồng, chấp nhận chịu thiệt, mất tiền phí đã đóng. Trong khi đó, kết luận thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp rà soát, xử lý đại lý tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ sai nhưng không hề nhắc đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng sau khi họ bị lừa mua bảo hiểm.
Đại lý làm sai, khách hàng chịu hậu quả
Dù hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm nhân thọ nhưng chị Trịnh Ngân (Hà Nội) đành bỏ hợp đồng vì mất lòng tin sau khi bị lừa mua bảo hiểm. Chị Ngân kể, năm 2019 đã mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có tên là GĐTY cho mẹ ruột. Đại lý tư vấn, phí đóng bảo hiểm 10 năm, mỗi năm 16,3 triệu đồng. Sau 10 năm, chị Ngân có thể tất toán bảo hiểm với số tiền nhận về khoảng 120 triệu đồng. Nếu không tất toán, số tiền này sẽ sinh lời để đóng phí và chị tất toán bất cứ khi nào cũng nhận được 120 triệu đồng. Năm 2022, tin tưởng đại lý tư vấn là chỗ quen biết, chị Ngân gửi thông tin cá nhân và được đại lý tư vấn mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
“Khi mua bảo hiểm, tôi gọi cho người quen đã tư vấn, dặn mua sản phẩm tương tự đã mua. Đến năm 2023, lùm xùm bảo hiểm xảy ra, tôi tìm hiểu mới biết đại lý tư vấn đã tự động chuyển sang mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư có tên gọi MQTL. Đặc thù 2 sản phẩm khác hoàn toàn. Hơn nữa, đại lý tư vấn sản phẩm GĐTY cũng không chính xác bởi sau 10 năm đóng phí nếu không tất toán, tiền phí bảo hiểm sẽ được trừ dần hàng năm đến khi tài khoản bằng 0”, chị Ngân cho biết.
Theo chị Ngân, khi phát hiện sản phẩm không đúng nhu cầu cá nhân và bảng kê khai lịch sử bệnh tật sai lệch, chị đã đề nghị phía tư vấn làm thủ tục khai lại. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm yêu cầu cung cấp chứng từ các loại bệnh đã điều trị, theo dõi.
“Tôi từng bị tụt huyết áp, ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hồ sơ y tế đã nộp cho công ty bảo hiểm để làm thủ tục bồi thường, giờ công ty bảo hiểm nhân thọ yêu cầu nộp chứng từ, tôi không thể cung cấp. Hơn nữa, đại lý bán bảo hiểm nhân thọ cũng không hề nói cho tôi biết, tiền phí bảo hiểm chuyển vào quỹ đầu tư cổ phiếu. Tôi mua bảo hiểm chứ không đầu tư mạo hiểm. Mất lòng tin, tôi chấp nhận mất tiền phí đã đóng và hợp đồng như vậy cũng mất hiệu lực”, chị Ngân chia sẻ.
Cùng nỗi khổ, chị Thanh Nga (Thanh Hoá) vừa hủy hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ do bị nhân viên ngân hàng tư vấn sai lệch thông tin. Vẫn kịch bản quen thuộc như trường hợp khác, chị Nga tới ngân hàng gửi tiết kiệm và bị nhân viên tư vấn sản phẩm tiết kiệm linh hoạt với lãi suất cao, được tặng kèm bảo hiểm. Năm 2023 khi phát hiện ra số tiền gửi tiết kiệm bị hô biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, chị Nga đành tất toán phần đầu tư, chấp nhận mất số tiền bị chuyển thành phí bảo hiểm.
“Tôi gửi đơn khiếu nại tới công ty bảo hiểm nhưng chưa một lần nào nhận được trả lời. Khiếu nại phía ngân hàng thì họ chỉ ậm ờ nói thông tin đang được trao đổi. Tôi chấp nhận mất tiền vì quá mất niềm tin với cách làm của ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ”, chị Nga ngậm ngùi.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đa số khách hàng khi phát hiện bị đại lý tư vấn sai hợp đồng bảo hiểm đều ngậm ngùi chịu thiệt. Bởi việc gửi đơn tới cơ quan chức năng hoặc tới tòa án phải cung cấp chứng cứ về việc bị tư vấn sai lệch trong khi hầu hết khách hàng mua bảo hiểm đều không có bằng chứng như ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm.
Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán đánh giá, việc cả triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực trong năm 2023 do phần lớn khách hàng không có nhu cầu nhưng bị tư vấn sai lệch khi mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là hiện tượng bán sai sản phẩm, bán sai nhu cầu của khách hàng. Trong đó, nhiều hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng và không ít ngân hàng đã thu được hàng nghìn tỷ đồng hoa hồng từ việc bán chéo bảo hiểm. Điều này khiến khách hàng mất trắng số tiền mua bảo hiểm rất lớn. Thậm chí, về lâu dài, khách hàng quên khai báo hợp đồng mất hiệu lực và nguy cơ vi phạm quy định kê khai thông tin của ngành bảo hiểm.
“Để lách quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa thông qua, thậm chí, ngân hàng tinh vi hơn, không bắt khách hàng vay vốn mua bảo hiểm mà yêu cầu khách hàng vay mua bảo hiểm cho người thân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý trường hợp này”, chuyên gia Trần Nguyên Đán khuyến nghị.
Yêu cầu kiểm soát việc hủy hợp đồng bảo hiểm
Đại lý bảo hiểm là “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng, hoạt động của đại lý bảo hiểm xảy ra nhiều sai phạm. Sai phạm này được Bộ Tài chính chỉ ra tại kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo kết luận thanh tra, các vi phạm tiêu biểu như đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa tư vấn đầy đủ về quy tắc, sản phẩm bảo hiểm liên kết. Điều này dẫn đến việc khách hàng chưa nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư khi tham gia bảo hiểm.
Sau khi chỉ ra vi phạm trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm chi phí hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi phí thưởng cho đại lý. Bộ Tài chính cũng yêu cầu công ty bảo hiểm rà soát, tăng cường công tác quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
“Việc ban hành các quy định về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định, đảm bảo khách hàng khi tham gia bảo hiểm phải được tư vấn phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính. Khách hàng phải nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, các rủi ro đầu tư có thể gặp phải và khoản phí mà doanh nghiệp tính cho khách hàng”, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài giải pháp yêu cầu doanh nghiệp hạch toán giảm tiền thưởng, tiền hoa hồng đại lý, xử lý đại lý sai phạm, kết luận thanh tra chưa nhắc đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng. Trả lời câu hỏi về việc kết luận thanh tra yêu cầu doanh nghiệp hạch toán giảm phí hoa hồng, thưởng của hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng và việc đại lý bảo hiểm vi phạm, khách hàng mua có được hỗ trợ nhận lại tiền phí bảo hiểm, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc này phụ thuộc vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.